Lập liên minh ngân hàng

EC hướng tới lập liên minh ngân hàng ở hội nghị EU

EC đang soạn thảo báo cáo chung về cách thức chấm dứt cuộc khủng hoảng để đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh EU vào các ngày 28-29/6.
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ngày 13/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã yêu cầu các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải nhất trí về một ngân sách chung lớn, một liên minh ngân hàng trong tương lai và cuối cùng là một liên minh chính trị.

Theo trang tin Euobsever, ông Barroso, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) Jean-Claude Juncker đang soạn thảo một báo cáo chung về cách thức chấm dứt cuộc khủng hoảng để đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của EU, dự định được tổ chức vào các ngày 28-29/6.

Các quan chức EU cho rằng văn bản này sẽ là một tuyên ngôn chính trị chứ không phải là một đề nghị mang tính pháp lý.

Ông Barroso nói: “Tôi sẽ đề nghị Hội đồng châu Âu đưa ra những cam kết cụ thể hướng tới một liên minh kinh tế và tiền tệ phát triển thực sự và một tiến trình gồm các bước tiến tới mục tiêu đó”.

Ông cho rằng ngay từ bây giờ các nước phải nhất trí về việc EU chi tiêu hào phóng hơn trong giai đoạn 2013-2020.

Ông lưu ý rằng 97% khoản đầu tư công vào Hunggary và hơn 50% vào Ba Lan là từ các ngân quỹ của EU. Ông đặt câu hỏi: “Tình hình ở những nước này sẽ như thế nào nếu không có sự đóng góp cho ngân sách của châu Âu”.

Ông cũng yêu cầu các chính phủ “điều chỉnh” nguyên tắc của Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giúp các ngân hàng gặp khó khăn, soạn thảo các luật lệ về giám sát ngân hàng.

Bước tiếp theo sẽ là thiết lập một “liên minh ngân hàng”, điều “có thể đòi hỏi sự thay đổi hiệp ước EU”. Động thái này sẽ dẫn đến việc EU có quyền giám sát các ngân hàng, thành lập một quỹ đảm bảo tiền gửi chung và một ngân quỹ mới chuyên dành để cứu trợ các ngân hàng lớn gặp khó khăn.

Bước cuối cùng trong kế hoạch của ông Barroso là thiết lập liên minh tài chính và chính trị, sẽ dẫn đến việc các nước EU phát hành trái phiếu chung, có chính sách thuế phối hợp và kế hoạch chi tiêu quốc gia liên kết trong mọi lĩnh vực từ y tế tới phúc lợi xã hội.

Ông lưu ý rằng các nước không sử dụng đồng tiền chung euro có thể muốn ở ngoài liên minh này. Nhưng ông nói thêm: “Quan hệ kinh tế của chúng ta liên kết tất cả lại: cả các thành viên khu vực euro và các thành viên không dùng đồng euro, tương lai của chúng ta được gắn với nhau."

Trong khi đó, các nghị sĩ hàng đầu tại Nghị viện châu Âu cho rằng mọi kế hoạch cần được đẩy nhanh hơn. Guy Verhofstadt, nghị sĩ phái tự do của Bỉ, cho rằng báo cáo của hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới phải là một đề nghị mang tính pháp lý về việc thành lập một “liên minh” và các kế hoạch ngân sách của ủy ban cần kêu gọi “các nguồn lực riêng”của Brussels.

Nghị sĩ phái trung hữu của Pháp Joseph Daul cho rằng để tăng cường sự dân chủ, Chủ tịch nghị viện của EU nên tham dự các hội nghị thượng đỉnh của EU thay vì việc rời khỏi phòng họp ngay sau khi đọc một bài phát biểu.

Nghị sĩ phái trung tả của Áo Johannes Swoboda tỏ ý phản đối kế hoạch từng bước một giải quyết khủng hoảng của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Còn nghị sĩ Anh Nigel Farrage, từng làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cho rằng con tàu Titanic của khu vực euro đã “va phải tảng băng”.

Về phần mình, ngày 13/6, Phó thống đốc ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Sabine Lautenschlaeger đã nói với tờ Thời báo tài chính Đức rằng liên minh ngân hàng là điều không tưởng nếu đồng thời không có liên minh tài chính/chính trị./.

Thái Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục