Ngày 17/4, Ủy viên an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Julian King thông báo vào tháng Sáu tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố một loạt đề xuất nhằm tăng cường an ninh cho khối khỏi các mối đe dọa từ các chất hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân.
Phát biểu trong một cuộc họp báo về các đề xuất an ninh mới nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân EU, ông King cho biết EC sẽ đưa ra một loạt đề xuất quan trọng để tăng cường ngăn chặn các mối đe dọa từ các chất sinh học, hóa học, hạt nhân và phóng xạ.
Quyết định của EC được đưa ra sau vụ điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh hồi tháng Ba vừa qua, gây ra những căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây. Ông King cũng nhấn mạnh EC sẽ làm tất cả để có thể chống lại các mối đe dọa.
Vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Nga Skripal xảy ra ngày 4/3 đã châm ngòi cho một cuộc "khẩu chiến" chưa có điểm dừng giữa Nga và Anh. London liên tục cáo buộc Moskva là thủ phạm và cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm vụ đầu độc này, bất chấp việc Nga liên tục bác bỏ.
Vụ việc sau đó cũng đã khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây "tụt dốc không phanh" trong khi thông tin về chất độc vẫn chưa được công bố toàn diện.
[Đức kêu gọi EU thống nhất mục tiêu giảm căng thẳng với Nga]
Liên quan đến diễn biến vụ việc nói trên, cùng ngày, Phòng thí nghiệm Spiez, Thụy Sĩ nơi đã xét nghiệm mẫu vật liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal theo chỉ định của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã từ chối xác nhận các thông tin mà phía Nga công bố trước đó về loại chất độc được sử dụng.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, trong thông cáo với báo giới, Viện bảo vệ các vũ khí hạt nhân, sinh hóa học Thụy Sĩ hay còn được biết tới là Phòng thí nghiệm Spiez nêu rõ “là một phòng thí nghiệm được OPCW chỉ định, chúng tôi không để đưa ra các bình luận độc lập về vấn đề này.”
Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Giám đốc bộ phận hóa học của Phòng thí nghiệm Spiez Stefan Mogl tuyên bố “ông không có bất kỳ nghi ngờ nào” về kết luận của các nhà khoa học Anh.
Trước đó, ngày 14/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết theo một thông tin mật, Phòng thí nghiệm của Thụy Sĩ đã xác định chất được sử dụng trong vụ đầu độc Skripal là BZ. Ông cho biết chất độc chưa từng được sản xuất tại Nga, nhưng lại rất phổ biến tại Anh, Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác. Nếu thông tin này được xác nhận sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất vụ việc khiến quan hệ Nga - phương Tây trở nên căng thẳng thời gian vừa qua.
Trong khi đó, liên quan đến các cáo buộc của Nga cho rằng có thể hai cha con cựu điệp viên Skripal đang bị phía Anh ép buộc phải lưu tại nước Anh, truyền thông Nga đã có cuộc phỏng vấn với bà Viktoria Skripal, chị họ của bà Yulia Skripal, con gái của cựu điệp viên, trong đó bà này phủ nhận có liên quan đến các đơn vị an ninh của Nga, đồng thời thể hiện sự nghi ngờ về những tuyên bố mà cảnh sát Anh công bố là của bà Yulia Skripal.
Bà Viktoria cũng chỉ trích việc phía Anh từ chối cấp thị thực nhập cảnh, tuyên bố sẽ đưa vấn đề này lên Liên hợp quốc. Theo bà Viktoria, điệp viên Skripal không bị cấm quay lại Nga mà vì sợ nên không quay lại.
Trong tuyên bố sau khi ra viện mà cảnh sát Anh công bố là của bà Yulia Skripal, bà này yêu cầu chị họ Viktoria không đến Anh thăm bà, cũng như từ chối hỗ trợ lãnh sự từ phía Đại sứ quán Nga tại Anh.
Hiện bà Yulia được đưa đến một nơi bí mật, mà theo báo The Sun, đó là một bệnh viện quân đội của Anh. Trong khi đó, theo thông tin ngày 6/4, dù vẫn ở trong viện, cựu điệp viên Sergei Skripal đang hồi phục nhanh chóng và không còn trong tình trạng nguy kịch./.