EC đề xuất kế hoạch 10 điểm nhằm tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất kế hoạch 10 điểm nhằm tái cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề kinh tế.
EC đề xuất kế hoạch 10 điểm nhằm tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: Resource Magazine)

Ngày 12/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất kế hoạch 10 điểm nhằm tái cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề kinh tế, trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó có công nghệ liên lạc mới.

Kế hoạch hành động này đánh dấu sự chuyển dịch trong lập trường của Liên minh châu Âu (EU) đối với đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc.

Trong số các biện pháp được EC đề xuất có việc kêu gọi Bắc Kinh nhất trí các cải cách đối với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt trong vấn đề trợ cấp và ép buộc chuyển giao công nghệ.

EC cho rằng khối này cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và hòa bình, song cũng cần thúc đẩy một mối quan hệ kinh tế tương hỗ hơn và có những biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp của mình.

[Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đánh mất động lực tăng trưởng]

Cơ quan hành pháp cao nhất của EU kêu gọi các nước EU khôi phục lại một đề xuất vốn đang bị đình trệ, theo đó yêu cầu các nước ngoài khối mở các gói thầu công khai để đổi lại việc tiếp cận vào thị trường châu Âu.

Theo EC, các nhà thầu Trung Quốc tham gia đấu thầu các hợp đồng công của EC cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường, trong khi luật pháp của EU cần được điều chỉnh nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp nhà nước tại thị trường EU.

EC cũng nhấn mạnh các nước trong khối cần tìm kiếm một cách thức chung trong vấn đề an ninh của mạng mạng không dây thế hệ mới 5G.

Trao đổi với báo giới, Phó Chủ tịch EC Jyrki Katainen nhấn mạnh EU cần thúc đẩy "các điều kiện cân bằng và tương hỗ" trong các quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Theo ông, các mối quan hệ sẽ mang lại lợi ích nếu có sự cạnh tranh công bằng, trong khi các hoạt động thương mại và đầu tư cũng phải đảm bảo tính tương hỗ và "có qua có lại." Tuy nhiên, EU cần đảm bảo một sân chơi công bằng và bảo vệ các mô hình kinh tế, xã hội và chính trị của mình.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận kế hoạch trên tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels dự kiến diễn ra vào ngày 21-22/3 tới, trước khi hội nghị EU - Trung Quốc được tổ chức vào ngày 9/4 tới.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất của EU, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của khối này. Theo thống kế, trung bình cả hai bên giao dịch trên 1 tỷ euro/ngày (khoảng 1,16 tỷ USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục