EC công bố chuẩn an toàn với kho rác thải hạt nhân

EC công bố bộ tiêu chuẩn an toàn đối với các kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng từ các nhà máy điện hạt nhân và rác thải phóng xạ.
Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố bộ tiêu chuẩn an toàn đối với các kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng từ các nhà máy điện hạt nhân và rác thải phóng xạ được sử dụng trong lĩnh vực y tế và nghiên cứu khoa học.

Để đáp ứng bộ tiêu chuẩn trên, các quốc gia thành viên phải đưa ra một chương trình cụ thể liên quan đến vị trí, quy mô xây dựng, cách thức quản lý kho chứa...

Ngày 5/11, đề nghị mới này của EC yêu cầu các nước thành viên phải xây dựng những chương trình quốc gia trong vòng bốn năm tới có tính đến các yếu tố như các dự án xây dựng và quản lý các trung tâm lưu giữ, ấn định lịch trình cụ thể những công việc phải tiến hành. EC có thể yêu cầu các nước thành viên sửa đổi dự án khi không phù hợp.

Cũng theo quy định này, hai hay nhiều quốc gia thành viên có thể thống nhất sử dụng chung một trung tâm lưu giữ, tuy nhiên việc xuất khẩu rác thải hạt nhân sang nước thứ 3 sẽ không được phép.

Phát biểu với báo giới về vấn đề này, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng của EU Günther Oettinger nhấn mạnh mức độ an toàn liên quan đến tất cả người dân và các quốc gia thành viên EU, kể cả những người phản đối và ủng hộ năng lượng hạt nhân. Những tiêu chuẩn về độ an toàn của EU sẽ cao nhất thế giới nhằm bảo vệ con người, các nguồn nước và đất đai trước sự ô nhiễm hạt nhân.

Ông Oettinger cũng đề xuất xây dựng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ ở cấp độ EU để đảm bảo tất cả các nước thành viên phải áp dụng tiêu chuẩn chung theo quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) liên quan đến các giai đoạn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và vận chuyển rác thải phóng xạ đến tận các kho lưu giữ cuối cùng.

Nhà máy Calder ở Anh - nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của EU được đưa vào hoạt động từ năm 1956, đến nay vẫn chưa có trung tâm lưu giữ cuối cùng. Hàng năm, có khoảng 7.000 tấn nhiên liệu đã qua sử dụng được thải ra từ các nhà máy điện nguyên tử của EU, nhưng phần lớn chúng đều được cất giữ trong các kho chứa tạm thời.

Giới chuyên gia cho biết mặc dù những kho chứa tạm thời là cần thiết nhằm làm nguội các chất có trong nhiên liệu và giảm độ phóng xạ, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài. Ngoài ra, việc xây dựng các kho lưu giữ nông như hiện nay tiềm ẩn rủi ro về tai nạn như máy bay rơi, cháy hoặc động đất. Do đó, cần phải có những kho lưu giữ cuối cùng với những tiêu chuẩn cụ thể như độ sâu tối thiểu phải là 300m.

Theo thống kê, EU hiện có 143 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động nhưng chỉ có Thụy Điển, Phần Lan và Pháp sẵn sàng xây dựng những khu lưu giữ cuối cùng trong vòng 10-15 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục