E3 thảo luận về JCPOA trong bối cảnh Mỹ sắp có chính phủ mới

Một quan chức Đức giấu tên cho biết với việc chính quyền mới của Mỹ sẽ nhậm chức trong năm tới, châu Âu kỳ vọng sẽ có thể hướng tới một cách tiếp cận chung xuyên Đại Tây Dương.
E3 thảo luận về JCPOA trong bối cảnh Mỹ sắp có chính phủ mới ảnh 1Bên trong cơ sở làm giàu urani Fordow ở Qom, miền Bắc Iran ngày 6/11/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 23/11 đã mời những người đồng cấp Pháp và Anh tới Berlin để thảo luận về các bước đi trong thời gian tới liên quan chương trình hạt nhân của Iran.

Nội dung cụ thể cuộc gặp không được tiết lộ, song theo truyền thông Đức, cuộc gặp của Ngoại trưởng 3 nước châu Âu (E3) là để chuẩn bị cho sự hợp tác với Mỹ trong thời gian tới theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - văn kiện được ký giữa nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) với Iran năm 2015.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị có chính phủ mới, từ nhiều tuần nay, 3 nước châu Âu tham gia JCPOA đã tích cực thảo luận các biện pháp nhằm nhanh chóng thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Iran sau khi Mỹ đã rút khỏi văn kiện và áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết cuộc gặp của nhóm E3 giữa Ngoại trưởng Maas với người đồng cấp Anh Dominic Raab và Pháp Jean-Yves Le Drian ở Berlin là để tìm ra đường hướng của 3 nước đối với JCPOA trong bối cảnh châu Âu rất kỳ vọng Mỹ sẽ tham gia trở lại JCPOA.

Phát biểu sau cuộc gặp E3, một quan chức Đức giấu tên cho biết với việc chính quyền mới của Mỹ sẽ nhậm chức trong năm tới, châu Âu kỳ vọng sẽ có thể hướng tới một cách tiếp cận chung xuyên Đại Tây Dương nhằm giải quyết chương trình hạt nhân của Iran.

Nhà ngoại giao Đức cũng cho biết E3 đang chuẩn bị chu đáo cho một giai đoạn ngoại giao tích cực phía trước, dù sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn.

[Dự báo chính sách Trung Đông của chính quyền ông Joe Biden]

Theo nhà ngoại giao này, sự gắn kết của nhóm E3, sự tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nga và Trung Quốc cũng như nỗ lực đối thoại không ngừng với Iran sẽ tạo ra một nền tảng tốt để có thể thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Tuy nhiên, thời gian cho đối thoại không còn nhiều, bởi Chính phủ mới của Mỹ sẽ chỉ có thể vận hành từ giữa tháng 2/2021, trong khi Iran sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào giữa tháng 6/2021 và cánh cửa cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa sẽ khép lại vào tháng 5 khi tiến trình tranh cử ở nước Cộng hòa Hồi giáo bắt đầu.

Trước cuộc gặp của E3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cũng kêu gọi Iran tuân thủ các nghĩa vụ trong JCPOA.

Trước đó ngày 20/11, Iran đã kêu gọi E3 thực thi cam kết nhằm bảo vệ quyền lợi hạt nhân của Iran theo JCPOA.

Tehran khẳng định các hoạt động hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran hoàn toàn hợp pháp, chính đáng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Iran cũng sẵn sàng thực thi lại các cam kết nếu các bên đều tuân thủ nghĩa vụ theo JCPOA.

 Năm 2015, Nhóm P5+1 đã ký với Iran thỏa thuận JCPOA nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Để đáp trả lại động thái này, kể từ tháng 5/2019, Iran đã dần từ bỏ các nghĩa vụ quan trọng trong thỏa thuận JCPOA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục