Đánh giá công tác kiểm soát tải trọng xe đã đạt được những kết quả ban đầu tích cực và dứt khoát năm 2015 cơ bản không còn tình trạng xe quá tải trên đường, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: “Không có chuyện vùng cấm hay bảo kê xe quá tải. Nếu để xảy ra hiện tượng này là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông.”
Dán logo mới “lọt” qua trạm cân xe
Tại Hội nghị Sơ kết công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quý 1 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới vào sáng nay (24/4), đại diện nhiều cơ quan chức năng của các địa phương cho rằng, năm 2014, tình trạng xe quá tải hoạt động trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp như huy động tối đa lực lượng liên quan, ngoài công an, giao thông vận tải cả quân đội, tài nguyên, cảng vụ … tập trung xử lý chuyên đề quá tải, cơi nới thùng… Thời kỳ cao điểm, huy động 100% quân số ăn ngủ tại chỗ, kiểm soát liên tục 24/24 giờ.
Báo cáo tại Hội nghị, theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, công tác kiểm soát tải trọng xe được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Các lực lượng liên ngành gồm cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đã khắc phục khó khăn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần đã tác động mạnh đến doanh nghiệp, chủ hàng, lái xe.
“Tình trạng xe ôtô chở hàng quá tải trên toàn quốc đã giảm nhiều, giảm sâu là nhờ vào sự quyết liệt của các địa phương, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông,” ông Nguyễn Văn Huyện nhìn nhận.
Tuy nhiên, vị Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong thời gian tới của việc “siết” tải trọng xe khi vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, lái xe có ý thức chấp hành chưa nghiêm.
Đặc biệt, dư luận còn phản ánh nhiều về tình trạng xe quá tải lén lút hoạt động vào ban đêm, đi vào các tuyến đường liên xã, liên huyện… để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Ở một số nơi, hiện tượng tiêu cực trong hoạt động xe quá tải, gây bức xúc trong xã hội.
Dưới góc độ đại diện cho các doanh nghiệp vận tải, Luật sư Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh qua thực tế vi hành khảo sát một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn cách đây hai ngày tỏ ra lo lắng về hiện tượng "bảo kê", mua bán logo ký hiệu riêng và sau đó sẽ dễ dàng đi qua các trạm cân.
“Tôi trực tiếp xuống khảo sát bãi xe ở quận 7, có rất nhiều doanh nghiệp mang thương hiệu khác đậu trên bãi xe của của một đơn vị vận tải lớn. Chủ bãi xe này nói nếu không mang thương hiệu thì không thể chạy ‘lọt’ qua trạm cân bởi tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có vấn nạn 'bảo kê' cho xe chở quá tải,” ông Thái Văn Chung dẫn chứng.
Theo vị lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh, mua bán logo mang lại nguồn lợi lớn khổng lồ, khoảng 3,5-5 hoặc 6 triệu một xe/tháng. Nhân số lượng xe đang được bảo kê thì doanh thu hàng tháng lên tới hàng tỷ đồng.
“Việc mua bán thương hiệu, dán logo xe quá tải vượt trạm cân doanh nghiệp hiện không dám chỉ đích danh một đối tượng nào. Hiệp hội đề nghị Bộ Công an điều tra, thậm chí khởi tố một số đối tượng,” ông Thái Văn Chung nói.
Khẳng định các doanh nghiệp kinh doanh đúng đắn rất mong siết chặt để đảm bảo công bằng, chi phí tiêu cực giảm, giải quyết tận gốc hiện trạng xe quá tải để minh bạch thị trường, đưa giá cước về đúng giá trị thực, ông Thái Văn Chung đặt ra câu hỏi, ngành giao thông đưa ra nhiệm vụ năm 2015 chấm dứt xe quá tải nhưng các đơn vị vận tải cũng tỏ ra lo lắng sang năm 2016 hay 2017 liệu có lặp lại tình trạng này không?
“Xe quá tải chỉ chấm dứt ở một số tỉnh. Các địa phương còn lại vẫn còn. Do đó, cơ quan Nhà nước cần có quy định quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương để ‘lọt’ xe quá tải,” ông Thái Văn Chung bày tỏ quan điểm.
Không có vùng "cấm" hay "bảo kê" xe quá tải
Tại hội nghị, đại diện nhiều cơ quan chức năng địa phương cũng nêu ra những khó khăn trong chế tài xử phạt hành vi chở hàng quá tải quá nặng nên một số chủ phương tiện, doanh nghiệp , lái xe chống đối quyết liệt. Có trường hợp cả ngày mới giải quyết xong vì lái xe không hợp tác, đóng cửa xe và bỏ đi, lao xe vào lực lượng làm nhiệm vụ, gây khó cho kiểm tra, xử lý…
“Các trạm cân điện tử lưu động thường sử dụng ngoài trời mưa, nắng nên hỏng nhiều, chất lượng không đảm bảo. Nếu hỏng phải sửa từ 10-15 ngày tạo khoảng trống để lái xe lợi dụng tiếp tục cho xe quá tải đi qua tuyến đường,” đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay.
Cá biệt, tại địa bàn Hà Nội, có nhiều xe gắn biển kiểm soát của các tỉnh ra vào thủ đô chở quá khổ, quá tải. Nhiều khi thanh tra, cảnh sát giao thông đuổi bắt được xe trên địa bàn giáp danh giữa hai tỉnh nhưng đối tượng lái xe đều cố gắng chạy xe ra địa bàn đó để gây khó xử lý. Do vậy, Công an tỉnh có cơ chế phối hợp với Công an Hà Nội và lực lượng vũ trang để xử lý.
Thượng tướng Lê Quý Vương Thứ trưởng Bộ Công an đặt ra sự nghi ngờ khi tình trạng xe quá tải lén lút ban đêm, “né” tránh lực lượng chức năng, từ đó đặt ra câu hỏi liệu có sự bảo kê của các lực lượng? có phải là xe "vua", vùng "cấm" hay không?
“Năm 2015 chấm dứt xe quả tải có đạt được không? Đây là vấn đè hết sức quan trọng cần bàn sâu, bàn kỹ. Tinh thần thời gian tới sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm soát tải trọng xe, không để còn vùng "cấm" hay tình trạng "bảo kê". Nếu để xảy ra hiện tượng này là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông,” Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Vương, một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhằm giáo dục nhận thức cho chủ xe, chủ hàng, doanh nghiệp vận tải nắm được chủ trương, quy định liên quan để tạo sự đồng thuận cao.
Tại hội nghị, đại diện nhiều tỉnh thành cũng cam kết sẽ vào cuộc quyết liệt bởi “siết” xe quá tải là cuộc chiến lâu dài nên cần có đầy đủ các lực lượng đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng của tổ công tác tại trạm, có sự hỗ trợ, giám sát lẫn nhau trong khi làm, bố trí thêm các trạm cân lưu động để kiểm soát chặt chẽ.
Đưa ra giải pháp trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an sẽ tiếp tục siết chặt tải trọng xe và sẽ làm đến cùng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết: “Chúng ta không đánh trống bỏ dùi, chuẩn bị nhân lực để làm lâu dài, xóa tan nghi ngờ của người dân và doanh nghiệp vận tải về việc này. Tất cả các trạm thu phí BOT sẽ được lắp đặt cân cố định, sử dụng camera để phạt nguội… và cuối năm 2015 sẽ đưa vào thực hiện.”/.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, Quý 1/2015, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 87.435 xe, phát hiện 9.385 xe vi phạm, hạ tải 4.184 xe với khối lượng 27.204 tấn, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 70 tỷ đồng. Kiểm tra tải trọng xe bằng cân xách tay, lực lượng Thanh tra đã kiểm tra 30.000 xe, phát hiện 3.000 xe vi phạm.