Đèo Hải Vân những tháng cuối năm bắt đầu vào mùa gió chướng. Gió phần phật từ đỉnh núi sà sát xuống mặt đường ray, rồi quẩn lại thành những vũng xoáy lớn. Cung trưởng Cung Hải Vân 2 Nguyễn Hải Triều nhìn đăm đăm ra phía vạt cây rừng đang ràn rạt nép xuống khe khẽ lắc đầu: “Thời tiết như này, anh em đêm nay lại khổ rồi.”
Ga Hải Vân là một trong những nhà ga nằm ở độ cao nhất trong tuyến đường tàu Thống Nhất Bắc Nam chạy qua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khổ và khó, đó có lẽ cũng là cụm từ chính xác nhất để hình dung về công việc của những cán bộ, công nhân ngành đường sắt trên một trong những điểm ga cao chót cùng đất nước.
Biết chúng tôi có ý định vào Hải Vân ngay sau cơn bão số 10, đích thân Phân đoàn trưởng của toàn cung Nguyễn Khắc Tuấn đã trực tiếp leo lên khoang tàu SE22 để dẫn đường. Đoàn hoả xa nặng nề, lịch kịch rời ga Đà Nẵng khi trời bắt đầu lắc rắc mưa, bắt đầu hành trình vượt đèo của mình.
Ngồi trầm ngâm trên toa ghế cứng, Phân đoàn trưởng lo âu nhìn ra mé phải cửa sổ. Mây vần vũ, xám xịt cuồn cuộn chạy...
“Thời điểm này, vào Hải Vân không tốt lắm. Mưa có khi rả rích mấy ngày mà gió thì cũng quẩn,” anh Tuấn chép chép miệng.
Trời chỉ hửng nắng được vài phút rồi đột ngột tối xầm dần. Gió từ eo biển trong phút chốc bỗng như bị hút ngược lên đèo, rin rít thổi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những cảnh báo ấy hiển hiện rõ hơn khi SE22 dừng lại ở sân ga Hải Vân. Trời chỉ hửng nắng được vài phút rồi đột ngột tối xầm dần. Gió từ eo biển trong phút chốc bỗng như bị hút ngược lên đèo, rin rít thổi. Lúng túng khi đón đoàn, cung trưởng Cung Hải Vân 2 Nguyễn Hải Triều cười khổ: “Anh em lên đây giờ này là phải hưởng đặc sản gió Hải Vân rồi.”
Từ hàng chục năm nay, những cán bộ, công nhân bám trụ lại với ga, hầm trên đỉnh đèo cao gần 500m so với mực nước biển này đã quá thấm thía cái thứ đặc sản quái gở ấy. Thấm thía đến độ, nó được anh em truyền miệng nhau như một kính ngữ nằm lòng: “Gió hầm Ba, ma Bảo Khánh” – không đâu gió lại dữ dội như ở Hầm 3.
Kinh sợ gió là chuyện không của riêng ai trên đỉnh Hải Vân. Ga trưởng Trịnh Văn Thành với 13 năm ăn núi, ngủ đèo cũng chỉ đủ để được xếp vào nhóm có thâm niên.... trung bình của trạm ga khó và khổ bậc nhất cả nước. Nhưng từng ấy thời gian thừa đủ để anh hiểu “tính cách gió” của vùng này. Thành kể: “Vào những lúc gió lớn, anh em cán bộ, công nhân viên muốn di chuyển thì đều phải đi... giật lùi, lưng dựa vào chiều gió thì mới tiến lên được. Mặt đối mặt với nó thì ngã chắc.”
Chuyện phải bám chặt vào ray, đu sát lan can cầu để di chuyển đã trở thành... nhạt thếch đối với những người “thường trú” Hải Vân quan như Thành. Thấy chúng tôi đã há hốc miệng, Cung trưởng Hải Triều cười ha hả: “Thế vẫn chưa là gì đâu.”
Các cánh cửa sổ được chằng buộc kỹ càng chống lại sức mạnh của gió chướng trên đỉnh đèo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nói đoạn, anh thủng thẳng chỉ cho chúng tôi thấy dãy công trình ngay gần ga mà trước đây anh em làm công tác cầu đường dùng để ở. Đó là một khu nhà mái bằng được quét ve vàng nằm hướng lưng ra biển Đông. Mặc dù được chằng buộc khá kỹ nhưng một vài cánh cửa sổ vẫn bị giật tung ra, kính vỡ, tôn thủng ngổn ngang.
“Là gió làm đấy. Gió từ núi và biển cuốn lên, khiến cả công trình giờ ọp ẹp, hư hỏng nên không ai ở nữa,” Triều méo xệch chua xót.
Ngay cả dãy nhà được cho là kiên cố bậc nhất được gần những cán bộ duy tu, sửa đường dùng làm “đại bản doanh” nằm cách cửa hầm số 12 khoảng nửa kilomet cũng không thoát nổi lưỡi gió. Cửa hông bên trái phòng làm việc của Cung trưởng Cung Hải Vân 2 bị kéo rách ngả nghiêng. Hầu hết các cửa sổ khác đều la liệt thương tích.
Không cần lục tìm trí nhớ, người đàn ông đen nhẻm trước mặt chúng tôi đã đọc vanh vách những khúc gió, eo gió trên toàn cung Hải Vân. Ấy là gió chướng hầm 3, gió quẩn Km761+500, gió xoáy tại cầu bắc qua suối ngay trước cửa hầm 12.
“Anh em đi tuần qua những đoạn này cực nhọc lắm. Như tại Km761+500, nếu đi qua mà không bám vào lan can thì rất dễ bị gió thổi bay. Mà từ cầu xuống lòng suối là hơn 20m. Nhiều khi, anh em phải bò, trườn, giữ chặt đường ray vì sức gió kinh khủng quá, nhất là vào mùa mưa,” anh kể lại.
Nguy hiểm là thế, nhưng chưa bao giờ những anh tuần đường, tuần hầm rời bỏ vị trí. Với họ, khi chưa có lệnh dừng tàu thì vẫn phải đi. Và gió cứ thế trở thành một phần công việc và cuộc đời của hàng chục con người trên trạm “gió” Hải Vân.
Ga Hải Vân nhìn từ trên cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đèo Hải Vân có vị trí cao hơn mực nước biển chừng 500m. Đèo dài khoảng 20km và là ranh giới tự nhiên nối liền giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng. Hình dung về sự hiểm trở của tuyến đường Mây này, người xưa đã không khỏi rùng mình: Đi bộ thì khiếp Hải Vân/ Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi.
Thế nhưng, từ cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, những “người lính” tiên phong của ngành đường sắt đã có mặt, cắm chốt trên dãy Thiên hạ đệ nhất hùng quan này. Chừng ấy thời gian đủ để họ thấm thía nỗi ám ảnh của người đời trước.
31 năm ở với đèo, Phân đoàn trưởng Nguyễn Khắc Tuấn là người hiểu rõ nhất sự hung bạo mỗi khi núi mẹ Hải Vân lên cơn... khó ở. Cho đến tận lúc này, anh vẫn không thể quên được trận bão những năm 2005-2006. Vào thời điểm ấy, bão ầm ập đổ đến Hải Vân. Do điều kiện thời tiết quá xấu, tất cả tàu đều đã được lệnh dừng. Nhưng trên đỉnh đèo vẫn còn 28 cán bộ, công nhân trực gác. Gần ba chục gã đàn ông ngồi trong phòng bị vây kín bởi gió. Gió lùa rin rít qua kẽ cửa. Gió lồng lộn thốc ngược từ ngoài lên mái. Gió cuốn, ném cành cây đồm độp vào cửa tôn.
Vặn vẹo trong bão được một lúc thì mái tôn của dãy nhà bay hết. Mưa được thể ào ạt quất chéo mặt người. 28 anh em vội vã bám chặt theo ray tàu, liêu xiêu chạy ra hầm số 12 gần đó trú ẩn.
“Khi đó vào chiều tối rồi, ai cũng vừa lạnh vừa đói. Hầm thì tối om, bên ngoài gió quần quật. May mà không ai bị sao cả,” mảng kỷ niệm cũ run rẩy theo giọng kể của anh.
Trận bão kéo dài tới sáng thì tan. Đoàn người ướt nhèm nhẹp thất thểu trở về, nhìn “nhà” của mình đã tan hoang. Họ lầm lũi lụm những miếng tôn nằm ngổn ngang để dựng tạm lại nơi ở trước khi ngành đường sắt chi viện.
Đằng sau ga Hải Vân là bạt ngàn rừng và núi, đây là tấm lá chắn nhưng cũng là kẻ thù sạt lở bất cứ lúc nào mỗi mùa mưa bão. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nếu ví Hải Vân như một bà mẹ vĩ đại đã hàng ngàn năm tuổi thì những “đứa con đường sắt” là người hiểu hơn ai hết cơn trở mình lúc trái gió, trở trời của mẹ núi. Chuyện đất lở, đá lăn chắn ngang đường ray trở thành chuyện thường ngày ở huyện với họ.
Ga trưởng Thành hồn nhiên: “Tôi ở đây 13 năm nhưng không nhớ nổi những lần hầm sụt, tắc đường khiến anh em phải cuốc bộ trên 10 cây số từ ga Lăng Cô lên đèo. Hầu như mùa mưa bão năm nào anh em cũng phải đi dăm lần như vậy.”
Đáng sợ nhất là trận sạt núi quy mô lớn khiến cả ga Hải Vân bị đe doạ. Dẫn chúng tôi ra khu vực phía sau ga, Thành chỉ vào một lớp kè bê tông khá chắc chắn chạy thẳng lên núi cao chừng vài chục mét, làm nhiệm vụ ngăn cản đất, đá lở khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, hệ thống kè này mới chỉ có tuổi đời dăm năm, và chỉ xuất hiện khi ga đỉnh đèo… suýt bị vùi lấp. Khi đó, mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến kết cấu núi bị lỏng ra. Từng mảng đất lớn bất thình lình ầm ầm trượt xuống, lao thẳng vào lưng nhà ga. Người bên trong được một phen hoảng hồn vì suýt chết.
Lên Hải Vân để nghe chuyện núi lở, đất trôi thì có vài tháng cũng không hết. Vì hầu như ai đã chót gắn bó với tuyến đường sắt nơi núi cao, gió chướng này đều cũng đã từng nếm trải nó.
Cung trưởng Hải Triều nhăn trán, tay vân vê vào nhau: “Nhiệm vụ của bên duy tu chúng tôi là đi kiểm tra ray, tuần đường và tuần hầm. Những lúc bình thường thì không nói, nhưng cứ có đất sạt, đá lở là người ở nhà lại lo ngay ngáy cho người đi tuần. Người đi tuần thì lại lo ngay ngáy cho tàu qua lại.”
Nói đoạn, anh giải thích: Vào mùa mưa, đi tuần, nhất là vào ban đêm, điều kiện ánh sáng cực hạn chế. Nhân viên tuần đường chỉ có thể dựa vào ánh đèn pin và… đôi tai để đề phòng. Nghe tiếng đá, đất lở mà tránh trở thành một thứ bản năng kỳ lạ của đội gác đèo Hải Vân.
Né là thế, cẩn thận là thế nhưng vẫn có những chuyện nghe ra mà rùng mình. Ấy là trường hợp xảy ra vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, một công nhân vào ca đêm đi trực chốt tại hầm số 13. Đêm hôm đó, đồng nghiệp đợi mãi không thấy anh trở về theo kế hoạch thì hốt hoảng đi tìm. Những bóng đèn pin nhoang nhoáng giữa đèo gió.
“Ra tới cửa hầm 13, chúng tôi thấy đất đá rơi vãi đầy mới nhào tới thì phát hiện đồng nghiệp bị vùi chôn cả nửa người dưới rồi. Anh em xúm xít vào đào bới, kéo ra. May là anh ấy không bị sao cả,” Phân đoàn trưởng Khắc Tuấn góp chuyện.
Mặc dù từ thời điểm ấy tới nay không còn sự cố tương tự nào xảy ra nữa, nhưng những người Hải Vân vẫn hay nhắc nhở và kể lại cho lớp trẻ mới lên như một câu chuyện máu xương về cơn giận giữ bất thần của Hải Vân quan hùng vĩ….