Đường sắt tốc độ cao được triển khai ra sao sau khi phê duyệt đầu tư?

Sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ lập báo cáo khả thi và triển khai gấp rút các thủ tục để có thể sớm khởi công.
Một đoàn tàu tốc độ cao tại châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ Giao thông Vận tải sẵn sàng, quyết tâm cao nhất để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao như Nghị quyết Quốc hội đã đặt ra phấn đấu khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành vào năm 2035.

Rút ngắn thủ tục để có thể khởi công vào năm 2027

Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết theo quy định pháp luật hiện hành, sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), trong đó FS chỉ có thiết kế cơ sở. Các thiết kế triển khai sau đó có thiết kế tổng thể kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có).

“Với Dự án đường sắt tốc độ cao, ngay bước lập FS đã tiến hành lập thiết kế tổng thể kỹ thuật phục vụ cho lập hồ sơ mời thầu Tổng thầu EPC (thiết kế FEED) nên sau phê duyệt có thể triển khai ngay bước tiếp theo, khi đó sẽ rút ngắn được khoảng hơn 2 năm thực hiện thủ tục,” ông Phương cho hay.

Tuy nhiên, để lập thiết kế FEED, ông Phương cho rằng vẫn cần có hướng dẫn bằng văn bản quy phạm pháp luật quy định về nội dung, yêu cầu thiết kế FEED bởi vì đây là nội dung rất mới ở Việt Nam.

Chung quan điểm, theo ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI), dự án dự kiến sẽ tiếp tục triển khai theo 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 thực hiện trong thời gian 2025-2027 là lập FS và thiết kế FEED với các nhiệm vụ lựa chọn tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập FS và thiết kế FEED; mời thầu, lựa chọn các đơn vị tư vấn; triển khai công tác khảo sát, lập FS và thiết kế FEED; thẩm tra, thẩm định, phê duyệt FS và thiết kế FEED và chuẩn bị hồ sơ mời thầu EPC.

Giai đoạn 2 là thi công, mua sắm thiết bị (từ năm 2027 đến năm 2035) gồm các nhiệm vụ đấu thầu, lựa chọn nhà thầu EPC; đàm phán, ký hợp đồng và triển khai thi công; thi công xây dựng; mua sắm phương tiện, thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ.

Hành khách đi tuyến đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Giai đoạn 3 là vận hành thử và khai thác thương mại với các nhiệm vụ: vận hành thử nghiệm; đánh giá an toàn hệ thống và vận hành thương mại.

“Trường hợp lập thiết kế FEED thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi; không lập thiết kế kỹ thuật mà triển khai lập ngay thiết kế bản vẽ thi công sẽ rút ngắn được khoảng hơn 2 năm, thời gian khởi công có thể thực hiện vào năm 2027,” ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận việc thực hiện các thủ tục sẽ rất lâu nếu không được xem xét rút gọn, để trong vòng 3 năm chuẩn bị các công việc từ làm thủ tục, lựa chọn tư vấn, tổ chức nghiên cứu, thẩm định, trình các cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

“Công tác nghiên cứu và thẩm định; công tác lập hồ sơ mời thầu để lựa chọn tổng thầu xây dựng cũng nên tiến hành song song. Đặc biệt, khâu giải phóng mặt bằng phải triển khai ngay để có công địa khi dự án khởi công,” ông Đông lưu ý.

Ga tàu là hạt nhân mô hình “thành phố nén”

Là nhà thầu Việt Nam tiên phong trong các dự án về đường sắt đô thị, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FECON cho hay nên mời các nhà thiết kế và chuyên gia quốc tế tham gia vào khâu thiết kế và quản lý dự án để đảm bảo chất lượng, tiến độ và chi phí dự án.

“Đây là các khâu quan trọng, yêu cầu tiêu chuẩn cao và không thể có sai sót, bởi đường sắt tốc độ cao là lĩnh vực có yêu cầu kỹ thuật và an toàn đặc biệt. Chúng ta nên kết hợp với các chuyên gia quốc tế để quản lý chặt chẽ các yếu tố chất lượng, tiến độ và chi phí,” ông Khoa nhấn mạnh.

FECON đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định thầu, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào từng hạng mục, hợp thành các tổ hợp đảm nhiệm các phần việc khác nhau của dự án. Điều này giúp phát triển năng lực trong nước một cách hiệu quả lâu dài, phát triển được ngành công nghiệp hạ tầng đường sắt nội địa tương tự kinh nghiệm của Trung Quốc đã làm trong 30 năm qua.

Ngoài các lợi ích về giao thông, ông Khoa nhận định, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam còn được kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển đô thị. Các ga tàu lớn sẽ trở thành hạt nhân của mô hình “thành phố nén” - mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông(TOD) xung quanh các trạm ga.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam còn được kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển đô thị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI), khác với một dự án giao thông thông thường, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm nhiều hệ thống thành phần, đòi hỏi tính đồng bộ cao. Ngay từ giai đoạn đầu, dự án cần chú trọng công tác tổng thể, thiết kế giao diện, tích hợp hệ thống trên cơ sở áp dụng công nghệ mới trong khảo sát thiết kế.

“Quá trình triển khai, cần có phương án linh hoạt trong việc huy động lực lượng trong nước, quốc tế trên tinh thần những việc trong nước có thể làm được thì huy động tối đa, ưu tiên các doanh nghiệp trong nước,” ông Sơn góp ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục