Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam tạo động lực phát triển công nghiệp xây dựng

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho ngành cơ khí Việt Nam và các nhà thầu xây dựng có bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc làm chủ công nghệ.

Một tuyến đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một tuyến đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam với sơ bộ tổng mức đầu tư thời điểm hiện nay lên tới 67,34 tỷ USD sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí đường sắt và nhà thầu xây dựng giao thông, tiến tới từng bước làm chủ công nghiệp xây dựng.

“Cú hích” cho công nghiệp đường sắt

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD) và hàng triệu việc làm.

“Ngoài việc nắm bắt, làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ,” Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Căn cứ trình độ và định hướng phát triển các ngành công nghiệp, quy mô thị trường, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến đề xuất ràng buộc điều kiện phải chuyển giao công nghệ và xây dựng định hướng phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2045 đó là làm chủ về công nghiệp xây dựng; lắp ráp trong nước và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam của Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất một số cơ chế chính sách cần thiết để phát triển công nghiệp đường sắt như: cho phép mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất cho phát triển công nghiệp đường sắt về đất đai, thuế, cơ chế hỗ trợ đầu tư, nhập khẩu...; bổ sung các sản phẩm, thiết bị đường sắt vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm; khi triển khai dự án, yêu cầu tổng thầu có cam kết chuyển giao công nghệ và sử dụng tối đa hàng hóa, dịch vụ trong nước có thể cung cấp; có cơ chế đặt hàng cho một số doanh nghiệp trong nước.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nhìn nhận việc phát triển công nghiệp đường sắt là một yêu cầu được đặt ra để phục vụ không chỉ cho riêng dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, mà còn cho khoảng 10 dự án đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang được lên kế hoạch triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2035.

vnp_toa xe duong sat 20022023.JPG
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ là đòn bẩy để phát triển công nghiệp đường sắt. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“VNR lắp ráp chế tạo sản xuất lắp ráp tự chủ nội địa hóa được khoảng 70-80% nhưng phải tính toán đến đầu ra của thị trường sản phẩm, linh kiện thiết bị nên không thể lập nhà máy mà một năm chỉ tiêu thị một ít sản phẩm. Do đó, những sản phẩm đặc chủng, có tuổi thọ dài bắt buộc phải nhập khẩu. Vấn đề chính yếu là phải làm chủ được bảo dưỡng, sửa chữa, tạo ra một hệ sinh thái cơ khí công nghiệp và công nghiệp phụ trợ," ông Mạnh nói.

Theo ông Mạnh, trong thời gian vừa qua, VNR đã tích cực làm việc với các đối tác nước ngoài đến từ các nước có nền công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới để học tập về phát triển công nghiệp đường sắt. Trong quá trình tiếp xúc, các đối tác đều quan tâm đến việc thành lập liên doanh với các cơ sở công nghiệp đường sắt Việt Nam để phát triển công nghiệp đường sắt.

Với dự án đường sắt tốc độ cao, VNR kiến nghị Nhà nước có các cơ chế ưu đãi vốn vay, thuế đất, thuế doanh nghiệp đồng thời đề xuất chính sách đặt hàng và bao tiêu sản phẩm, nhất là giai đoạn đầu Nhà nước đặt hàng VNR hoặc để cho VNR phân tích thị trường, liên kết liên doanh các đối tác trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng làm hạ tầng đường sắt tốc độ cao

Trước nhu cầu cấp thiết đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đang nghiên cứu tham gia xây dựng hạ tầng dự án này, làm chủ trong việc đầu tư, sản xuất, thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.

Những năm vừa qua, một số doanh nghiệp lớn (tập đoàn, tổng công ty…) đã tham gia xây dựng tại các dự án, công trình giao thông lớn (như cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, giai đoạn 2021-2025...) và đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị thi công hiện đại, đồng bộ để phục vụ xây dựng như các thiết bị khoan, đào hầm, thiết bị thi công cầu lớn,... rất hiệu quả và tạo ra sản phẩm công trình với chất lượng với kỹ mỹ thuật cao.

“Nước ta đã có đội ngũ có thể làm tất cả về kết cấu hạ tầng giao thông. Điển hình như cầu dây văng như Mỹ Thuận 2, đã có thể thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công. Làm hầm có những doanh nghiệp hàng đầu như Sơn Hải, Sông Đà, Đèo Cả đã tự chủ toàn phần,” Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay.

vnp_cau Nui Do cao toc Bac-Nam 0601021.JPG
Các doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được công nghệ trong thi công cầu, hầm tại các dự án giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, trong thời gian qua, nhiều đơn vị thi công các gói thầu lớn thuộc dự án đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, đang quyết tâm hoàn thành 12 dự án thành phần vào cuối năm 2025.

Sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng, do đó, ông Nam cho rằng Chính phủ cần phải có cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp tục tham gia Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Vì thế, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị việc tổ chức thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cần tách thành hai hợp phần gồm: các hạng mục cầu, đường, hầm cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện tương tự các dự án đường bộ cao tốc vừa qua. Hợp phần 2 bao gồm phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu,… giao cho doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục