Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ được trình Quốc hội vào cuối năm 2019

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam qua địa bàn 20 tỉnh, thành phố với chiều dài toàn tuyến khoảng 1.559km sẽ được trình Quốc hội vào cuối năm 2019.
Đường sắt tốc độ cao của Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đường sắt tốc độ cao của Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo kế hoạch dự kiến, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có tổng mức đầu tư khoảng 58,7 tỷ USD (suất đầu tư 38 triệu USD/km) sẽ được Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Bộ Chính trị vào tháng Năm tới và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của  Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức thuê Liên danh tư vấn trong nước phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía JICA rà soát các nghiên cứu trước đây, tiến hành nghiên cứu, cập nhật bổ sung để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Theo đó, dự án có điểm đầu là ga Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1); điểm cuối là ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh); qua địa bàn 20 tỉnh/thành phố; chiều dài toàn tuyến khoảng 1.559km (cầu chiếm 60%, hầm chiếm 10%, đường chiếm 30%), đường đôi-khổ 1435mm điện khí hóa; bao gồm 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng. Nhu cầu sử dụng đất với tổng diện tích đất khoảng 9.834 ha.

[Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Khoảng 20 năm mới hoàn thành?]

Bên cạnh đó, Tư vấn đã nghiên cứu 2 phương án phân kỳ đầu tư (theo chiều dọc và theo chiều ngang), trên cơ sở đánh giá về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư dự án cũng như sự phù hợp với quy hoạch liên quan... nghiên cứu đề xuất phân kỳ theo chiều ngang.

Theo đó, giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020-2032) đầu tư đoạn Hà Nội-Vinh (dài 295km với tổng mức đầu tư khoảng 12,022 tỷ USD) và Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang (dài 370km với nguồn vốn khoảng 12,6 tỷ USD). Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032-2050) đầu tư đoạn Vinh-Nha Trang (dài 894km với vốn đầu tư khoảng 33,9 tỷ USD) để nối thông toàn tuyến.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra phương án huy động vốn và tác động tới nợ công, dự kiến vốn Nhà nước khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20%. Nghiên cứu cũng dự tính với giá trị đầu tư bình quân hàng năm trong giai đoạn 1 chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 chiếm 0,55% GDP (với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, dự án không làm vượt trần nợ công 65% GDP theo quy định trong suốt cả hai giai đoạn đầu tư).

[Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam dự kiến có mức đầu tư hơn 58,7 tỷ USD]

Về mô hình quản lý khai thác, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thành lập Công ty Đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao và Công ty Vận tải đường sắt tốc độ cao. Công ty Vận tải sẽ đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho công ty đầu tư và quản lý hạ tầng.

Đồng thời, Tư vấn kiến nghị xem xét thành lập Viện nghiên cứu đường sắt tốc độ cao (trên cơ sở các Viện, cơ sở đào tạo hiện có hoặc thành lập mới) để kết hợp các đơn vị trong và ngoài nước đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và đường sắt hiện có.

Được biết, hành lang Bắc-Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước (chiếm tới 49% về dân số và 61% về GDP của cả nước). Tuy nhiên, thị phần vận tải trên hành lang này chưa cân đối giữa các phương thức, chi phí logistic cao (gấp 2 lần mức trung bình trên thế giới); tai nạn giao thông và phát sinh khí thải môi trường rất lớn...

Dự báo nhu cầu vận tải cho thấy trong tương lai hành lang Bắc-Nam sẽ thiếu hụt lớn về năng lực vận tải, nếu chỉ đầu tư các phương thức (đường bộ, hàng không và đường biển) theo quy hoạch và nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, cần phải có một loại hình vận tải mới, sức chuyên chở lớn để bù đắp năng lực thiếu hụt nêu trên.

Ngoài ra, với các ưu điểm về năng lực vận chuyển, tốc độ, mức độ an toàn, thân thiện với môi trường; khả năng phát triển bền vững, hài hòa giữa các phương thức vận tải cũng như việc phân bố lại nhu cầu vận tải; khả năng tái cấu trúc đô thị và phân bố lại dân cư, lao động trên hành lang Bắc-Nam, lợi thế trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tạo cơ hội đầu tư, thúc đẩy các ngành sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, góp phần giải quyết công ăn, việc làm... cho thấy việc phát triển tuyến đường sắt mới, tốc độ cao Bắc-Nam là phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục