Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bố trí 23 ga hành khách theo nguyên tắc phù hợp với hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương. Các ga đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương, tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng tạo ra không gian phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất. Việc bố trí các ga bảo đảm khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng; bảo đảm khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, phương án bố trí ga khách này tương đồng với tuyến đường sắt Bắc Kinh-Thượng Hải (Trung Quốc), chiều dài 1.318km, tốc độ thiết kế 380 km/giờ, bố trí 24 ga.
Về hiệu quả kinh tế, sau khi tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải (Trung Quốc) khai thác vào năm 2012, GRDP các địa phương dọc tuyến tăng lên gấp đôi sau 10 năm (tăng trưởng trung bình 10%/năm từ 2012 đến 2022). Hay tại Nhật Bản, sau 10 năm từ khi tuyến đường sắt tốc độ cao khai thác năm 1964, GRDP các địa phương dọc tuyến tăng trưởng thêm 4-5% so với không có đường sắt tốc độ cao. Giá trị đất xung quanh các khu ga tăng 13-30% sau khi tuyến đường sắt khai thác.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết hướng tuyến đường sắt tốc độ cao được nghiên cứu, lựa chọn ngắn nhất có thể và đáp ứng các nguyên tắc như phù hợp với quy hoạch ngành, quốc gia, địa phương. Các nhà ga được bố trí đảm bảo yêu cầu về chiều dài giữa các ga, đáp ứng kỹ thuật, phù hợp với điều kiện địa hình khu vực tuyến đi qua, hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh khu đông dân cư.
Đối với ga hàng, trên tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam có 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn kết nối với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các cảng biển lớn, khu kinh tế ven biển và kết nối liên vận quốc tế.
Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc bố trí các ga hàng hóa tạo thuận lợi cho công tác hậu cần phục vụ quốc phòng, an ninh,đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh theo Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 nêu rõ: dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về quy mô, dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết./.
Ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.