Đường sắt đạt lợi nhuận cao nhờ phục hồi vận tải khách, hàng hóa

Trong thời gian vừa qua Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tập trung triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu VNR, triển khai nhiều giải pháp quan trọng để phục hồi vận tải hàng hóa, hành khách.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quan trọng để phục hồi vận tải hàng hóa, hành khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với việc triển khai nhiều giải pháp quan trọng để phục hồi vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường sắt, doanh thu và lợi nhuận của hai công ty thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng Chín đạt hơn 1.358 tỷ đồng (cao hơn 158 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022). Lợi nhuận chín tháng đạt hơn 80 tỷ đồng (tăng 42 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đó).

Tại phía Bắc, Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội cũng công bố doanh thu và thu nhập khác chín tháng đạt hơn 1.912 tỷ đồng, tăng 8,64% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế hơn 97 tỷ đồng, tăng tới hơn 177,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ ra nguyên nhân doanh thu tăng cao sau đại dịch COVID-19, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết các doanh nghiệp vận tải đường sắt đạt kết quả doanh thu cao do năm nay vận tải hành khách phục hồi mạnh mẽ, nhất là cao điểm vận tải Tết vào quý 1 và vận tải Hè vào quý 3.

Ngoài ra, theo ông Mạnh, trong thời gian vừa qua Tổng công ty đã tập trung triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu VNR, xây dựng và triển khai ứng dụng có hiệu quả các phần mềm vào sản xuất kinh doanh, triển khai nhiều giải pháp quan trọng để phục hồi vận tải hàng hóa, hành khách.

Đơn cử, Tổng công ty đã chủ động khai thác có hiệu quả vận tải đường sắt liên vận quốc tế với những đoàn tàu container liên vận quốc tế. Năm 2023, VNR đã khai trương hoạt động liên vận quốc tế bằng được sắt tại Ga Kép, Sóng Thần giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và tại các ga liên vận quốc tế đang khai thác đồng thời giảm thời gian thông quan hàng hóa và góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chủ động khai thác có hiệu quả vận tải đường sắt liên vận quốc tế với những đoàn tàu container liên vận quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hiện tại, Tổng công ty đã và đang phối hợp tích cực về hoạt động liên vận với nhiều tỉnh thành để đẩy mạnh hoạt động liên vận, tiếp tục mở mới các ga liên vận quốc tế (như Ga Cao Xá-Hải Dường…) với phương châm đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của cả nước.

[Ngành đường sắt xác định 3 trụ cột để hướng tới có lãi trong năm 2023]

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng thị trường như tàu container đông lạnh, tàu container chuyên tuyến đi Trung Quốc và quá cảnh nước này sang các nước thứ ba ở châu Âu, Nga, Mông Cổ, Trung Á... Đây là lý do vài năm gần đây, sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng trung bình 6%/năm.

Đối với vận tải hành khách, cùng với việc nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, VNR thực hiện triển khai chính sách giá vé linh hoạt và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như food tour Hà Nội-Hải Phòng; tàu cao cấp tuyến Đà Nẵng-Quy Nhơn (The Vietage)… đã được khách hàng đón nhận.

Mặt khác, VNR cũng đã đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, thông tin tín hiệu, các khu ga phục vụ cho vận tải; đẩy mạnh việc chuyển đổi số, cải tiến hệ thống bán vé; số hóa kết cấu hạ tầng...

Tuy nhiên, lãnh đạo VNR cũng thừa nhận con số doanh thu, lợi nhuận này chưa phản ánh kết quả cuối cùng của cả năm do đặc thù vận tải đường sắt các chi phí lớn sẽ tập trung vào quý 4 như sửa chữa phương tiện, chi trả lương và các chi phí khác. Do vậy, theo quy luật kết thúc năm, lợi nhuận của ngành đường sắt sẽ giảm mạnh.

Hành khách đi tàu tại ga Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tại sự kiện ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội-Đà Nẵng vào ngày 20/10 vừa qua, đánh giá cao với những giải pháp đồng bộ, nâng cao năng lực vận tải bằng đường sắt, nâng cao chất lượng phục vụ, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hy vọng vận tải đường sắt ngày càng chiếm lĩnh thị phần vận tải và được khách hàng biết đến, hào hứng đón nhận.

Ông Cảnh cũng giao VNR tập trung thực hiện tăng cường các dịch vụ, sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác vận tải đường sắt; chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đặc biệt đối với đoàn tàu chất lượng cao này; chú trọng nâng cao chất lượng vệ sinh trên tàu, dưới ga điểm nhấn cho du khách đi tàu.

“VNR tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong sản xuất; đề ra các giải pháp hiệu quả đảm bảo an toàn chạy tàu, đó là vấn đề tối quan trọng, nó không riêng là khẩu hiệu, hình ảnh để quảng bá dịch vụ vận tải mà trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty,” ông Cảnh chỉ đạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục