Đường sắt cũng sẽ có khoang C, vé VIP như hàng không

Ngành đường sắt sẽ tập trung đa dạng hóa dịch vụ, áp dụng như mô hình mà hàng không đã làm là áp dụng dải giá vé, lập biểu đồ chạy tàu mới, u tiên tàu đẹp, giờ đẹp cho các tuyến có cự ly trung bình.
(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

“Ngành đường sắt đang rất nỗ lực giành lại thị phần, để thực hiện điều này ngành sẽ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung đa dạng hóa dịch vụ, áp dụng như mô hình mà hàng không đã làm là áp dụng dải giá vé, lập biểu đồ chạy tàu mới.... hay sẽ ưu tiên tàu đẹp, giờ đẹp cho các tuyến có cự ly trung bình để tăng khả năng cạnh tranh"

Đây là chia sẻ của Tân Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

- Trong cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận định ngành đường sắt đang ở giai đoạn khó khăn, dường như đã chạm đáy. Vậy định hướng, kế hoạch vực dậy ngành đường sắt trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Anh Minh: Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn 2017-2020 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty đã đề ra một số mục tiêu, giải pháp tái cơ cấu.

Cụ thể, VNR đề ra mục tiêu là khai thác an toàn, tối đa năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo đồng đều tải trọng toàn tuyến, tăng số lượng toa kéo trong đoàn tàu để giảm giá thành vận tải, tăng doanh thu, lợi nhuận.

Để đạt được mục tiêu trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề ra một số nguyên tắc cơ bản đó là, về thiết kế, đóng mới toa xe khách, xác định đóng tàu để có bao nhiêu người lên tàu thay cho việc đóng tàu có bao nhiêu chỗ. Về kinh doanh dịch vụ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác định cung ứng những dịch vụ xã hội cần thay thế cho việc cung ứng những gì đường sắt có.

Về vận tải hành khách, Tổng công ty sẽ tập trung khai thác những tuyến ngắn có lợi thế cạnh tranh thay thế cho việc khai thác tuyến dài, không có lợi thế cạnh tranh; tàu đẹp, giờ đẹp ưu tiên phục vụ tuyến có cự ly phù hợp.

Đối với vận tải hàng hóa, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tập trung khai thác hàng hóa tuyến dài, tuyến độc lập khối lượng hàng hóa lớn, ổn định có lợi thế cạnh tranh, xây dựng hệ thống ICD (cảng cạn) tại các điểm đầu, cuối để giảm thời gian xếp dỡ.

- Để thực hiện các mục tiêu trên, giải pháp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra là gì thưa ông?

Ông Vũ Anh Minh: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện nhiều nhóm giải pháp. Cụ thể về nhóm giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng chạy tàu, Tổng công ty đang báo cáo Bộ Giao thông Vận tải bố trí nguồn vốn 7.000 tỷ đồng để cải tạo, thay thế các cầu yếu, hầm yếu và các cung, đoạn kết cấu hạ tầng yếu, kém để khai thác tải trọng đoàn toa đồng đều 4,2 tấn/m trên toàn tuyến.

Vì hiện nay đoạn Hà Nội-Đà Nẵng có tải trọng đoàn toa là 4,2 tấn/m nhưng đoạn Đà Nẵng-Sài Gòn chỉ có tải trọng đoàn toa là 3,6 tấn/m. Khi nâng tải trọng đồng đều mới khai thác hiệu quả. Trong suốt thời gian qua, đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt rất thấp, chỉ đáp ứng trên 1% nhu cầu đầu tư của ngành.

Cùng với đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ cải tạo, nâng cấp, kéo dài đường ga đảm bảo đáp ứng tăng năng lực thông qua tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh lên 25 đôi tàu/ngày đêm; đảm bảo khai thác đoàn tàu 25 toa, 6 toa thêm này sẽ là điểm lợi nhuận của Tổng công ty.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẽ rà soát, xử lý các điểm đen an toàn giao thông trên tuyến, xử lý một số khu đoạn có bán kính cong nhỏ để nâng cao chất lượng an toàn chạy tàu.

Điều chúng tôi muốn thực hiện nhất là rà soát toàn bộ cơ chế để tận dụng được hết nguồn lực của ngành, kêu gọi đầu tư.

Ngay tháng Tư, chúng tôi ký kết với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn xây dựng 2 ICD tại Sóng Thần (Bình Dương) và Đông Anh (Hà Nội).

Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp quân đội, chiếm tới 50% thị phần container của cả nước, chiếm 90% thị phần container Sài Gòn. Đây là bước phát triển đột phá về vận tải hàng hoá của đường sắt.

Đối với nhóm giải pháp về chất lượng cung ứng dịch vụ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng vệ sinh trên tàu và ga hành khách, thuê tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp làm về sinh nội thất, ngoại thất tại ga xuất phát; áp dụng hình thức bán vé linh hoạt, bán vé sớm, mở rộng dải giá vé, bán vé 2 phương thức vận tải, xây dựng các chương trình khuyến mại, tăng cường quảng bá hình ảnh qua các phương tiện truyền thông.

Đồng thời nghiên cứu, bổ sung các dịch vụ phụ trợ, dịch vụ gia tăng cho khách hàng, đa dạng hóa hình thức phục vụ. Chỉnh trang lại hệ thống nhà ga hành khách, tập trung các ga lớn.

Về đầu tư phương tiện, kho bãi hàng hóa, Tổng công ty sẽ thực hiện rà soát, thanh lý các toa xe, đầu máy khai thác không hiệu quả, chất lượng thấp, tập trung đầu tư đóng mới, mua các đầu máy, toa xe khách đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thân thiện với khách hàng; huy động các nguồn lực xã hội, lựa chọn đơn vị có thương hiệu, thị trường, nguồn lực mạnh để xây dựng một số trung tâm ICD lớn tại các điểm đầu, cuối để giảm thời gian xếp dỡ, nâng cao năng lực hàng hóa thông qua đường sắt.

Về nhóm giải pháp an toàn chạy tàu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện rà soát thống kê toàn bộ đường ngang, giao cắt và phân loại theo nhóm cụ thể theo loại đường, đơn vị quản lý chịu trách nhiệm. Đề xuất các giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài với từng nhóm (rào chắn, gờ giảm tốc, biển báo, phát quang, đường gom...).

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng sẽ tăng cường các giải pháp về quản trị, trong đó tập trung rà soát, tái cơ cấu tổng thể toàn bộ Tổng công ty và các đơn vị thành viên, thu gọn đầu mối, chuyên môn hóa sản phẩm…

- Như ông vừa đề cập, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tập trung chặng ngắn có lợi thế cạnh tranh thay thế cho việc khai thác tuyến dài, không có lợi thế cạnh tranh, vậy cụ thể của định hướng này như thế nào thưa ông?

Ông Vũ Anh Minh: Hiện nay, tàu giữa Hà Nội-Sài Gòn có hàng trăm chỗ nhưng chỉ có 15-20 người đi hết chặng. Trong khi, tàu đẹp, giờ đẹp lâu nay lại tập trung cho các chuyến dài.

Hành khách đi tuyến ngắn 5-6 tiếng cần chọn giờ đẹp. Ví dụ, tuyến Hà Nội-Vinh, khách cần đến Vinh, Cửa Lò lúc gần trưa để có thể nhận phòng khách sạn luôn, thay vì “bơ vơ” lúc 4 giờ hoặc 5 giờ như hiện nay. Còn khách đi chặng dài 30 giờ họ không quá quan trọng giờ đẹp.

Nguyên tắc xuyên suốt là tàu đẹp, giờ đẹp sẽ dành cho các tuyến ngắn hiệu quả, trước hết là Hà Nội-Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang.

Chúng tôi đang đóng một số toa đẹp, xây dựng phòng chờ hạng sang tại Hà Nội và Sài Gòn và một số ga tuyến ngắn; dù phải đầu tư (có thể bằng nguồn xã hội hóa) nhưng giúp cải thiện doanh thu. Tuyến dài cũng sẽ có bố trí những toa đẹp để đáp ứng phân khúc thị trường.

Chúng tôi cho rằng với chặng trung bình của đường sắt, thời gian 5-6 tiếng vẫn cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác, trong đó có hàng không. Ưu điểm đường sắt là an toàn, đúng giờ, ga đường sắt nằm ở các trung tâm. Để thu hút khách cần có dịch vụ tốt.

Cùng với đó, chúng tôi chuẩn bị bán vé 2 trong 1, tức là sẽ bán vé nối chuyến cho khách. Chẳng hạn khi tàu vào Vinh, sẽ phục vụ ôtô đưa khách xuống Cửa Lò. Khách mua vé sớm rẻ hơn, vé có thể đổi và không thể đổi… cũng sẽ được áp dụng tựa như hàng không.

Đặc biệt, nhằm tạo sự thân thiện với hành khách, chúng tôi đã từng bước thay đổi hình ảnh, sẽ sử dụng màu xanh hòa bình kết hợp với màu trắng để tạo sự tươi mới, gần gũi, thân thiện. Các đoàn tàu mới đóng ở Nha Trang, Dĩ An đã được sơn mới.

Chúng tôi đang nghiên cứu thực hiện việc sơn lại toàn bộ vỏ nhóm tàu khách bằng việc kêu gọi các nhà tài trợ và đổi lại cho họ quyền quảng cáo trên tàu trong một thời gian.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ kêu gọi xã hội hóa để đầu tư một đến hai đôi tàu nước ngoài để học hỏi mẫu mã thiết kế hướng tới người dùng nhằm đẩy thị phần của ngành đi lên…

- Xin cám ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục