Liên quan đến thông tin đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông lùi khai thác tới tận năm 2021 và “một lần nữa vỡ tiến độ”, chiều hôm nay (ngày 30/3), lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định, dự án vẫn “chốt” tiến độ chạy thử vào đầu tháng Chín tới đây và hoàn thành xây dựng công trình trong quý 4/2018.
Theo đó, mốc tiến độ được Ban quản lý dự án đường sắt đưa ra là vào ngày 2/9/2018 bắt đầu đưa dự án vào vận hành chạy thử với thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng. Thời gian hoàn thành giai đoạn thực hiện xây dựng dự án trong quý 4/2018.
[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông khai thác thương mại vào quý 4/2018]
“Thời gian kết thúc thực hiện dự án trong năm 2021, trong đó hoàn thành giai đoạn thực hiện xây dựng dự án trong quý 4/2018; thời gian quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình xây dựng 24 tháng kể từ khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng,” lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng xây lắp (chưa bao gồm phần thiết bị) gồm toàn bộ các trụ và dầm cầu trên cao; kết cấu và kiến trúc của 12 nhà ga; tổng mặt bằng và kết cấu chính của 15/16 đơn thể kiến trúc trong khu Depot; đường ray tuyến chính, tuyến nhánh và trong khu Depot kết nối đến các phân khu chỉnh bị, sửa chữa, lập tàu; tường chống ồn và chống thấm mặt cầu.
Các khối lượng xây lắp còn lại đang được triển khai thi công bao gồm công tác hoàn thiện của 15/16 đơn thể kiến trúc và kết cấu của 1/16 đơn thể kiến trúc còn lại trong khu Depot (trạm xử lý nước thải), hạ tầng khu Depot (hàng rào, đường bộ, hào kỹ thuật...); công tác hoàn thiện công việc còn lại của nhà ga (lan can, trần, sàn tĩnh điện, cửa...).
Hiện nay, Tổng thầu đã nhập khẩu thiết bị khoảng 60% khối lượng và lắp đặt khoảng hơn 40% khối lượng (một số chuyên ngành như thông tin, tín hiệp, cung cấp điện, ray tiếp xúc, chiếu sáng...). Tổng thầu vẫn đang triển khai nhập khẩu các thiết bị còn lại và tiến hành lắp đặt đồng thời ngoài hiện trường. Tuy nhiên các công tác này vẫn đang bị chậm so với yêu cầu tiến độ.
Về đoàn tàu, đến nay đã hoàn thành công tác sản xuất, chế tạo cho cả 13 đoàn tàu bên Trung Quốc và vận chuyển về công trường. Hiện, công tác đăng kiểm thiết bị đoàn tàu vẫn chưa thực hiện được do chưa lắp xong thiết bị chuyên ngành để đóng điện và kiểm soát khống chế điều khiển (như chuyên ngành điện, thông tin, tín hiệu...).
Chỉ ra nguyên nhân chậm tiến độ, theo Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2017, tiến độ dự án bị chậm một thời gian do chậm được cấp nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD. Đến ngày 28/12/2017 vừa qua, các vướng mắc về thủ tục đã được tháo gỡ xong, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc) chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung trên.
[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông được giải ngân vốn vay Trung Quốc]
“Chưa kể, năng lực quản lý điều hành của Tổng thầu EPC còn hạn chế (có thể do cách thức triển khai và cơ chế thực hiện ở mỗi nước khác nhaụ), mặt khác do đặc thù của dự án vừa thiết kế, vừa thi công nên việc thi công đôi khi không liên tục do phải chờ hồ sơ thiết kế, gây mất thời gian,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải phân tích.
Bên cạnh đó, Tổng thầu chia nhỏ nhiều hạng mục công việc để giao cho nhiều nhà thầu phụ dẫn đến việc thi công bị chồng chéo, khó kiểm soát cả về tiến độ lẫn chất lượng.
Hơn nữa, có tình trạng các nhà thầu phụ thiếu niềm tin vào Tổng thầu do Tổng thầu không giải quyết một cách thấu đáo, hợp lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng thầu phụ (như chậm thanh toán khối lượng hoàn thành) dẫn đến không chỉ đạo được các nhà thầu phụ phối hợp thực hiện công tác thi công, lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn công.
“Việc thanh toán của Tống thầu cho các nhà thầu phụ cũng rất chậm trễ dẫn đến các nhà thầu phụ thiếu vốn thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công của dự án,” phía Bộ Giao thông Vận tải đánh giá.
[Dự án đường sắt đô thị: Tổng thầu Trung Quốc phải tuân thủ tiến độ]
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xem xét, có ý kiến với nhà tài trợ để hỗ trợ Bộ trong việc đôn đốc Tổng thầu EPC đẩy nhanh tiến độ thực hiện đáp ứng tiến độ điều chỉnh của dự án./.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng) được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc.
Chính phủ đã đồng ý vay bổ sung 250,62 triệu USD từ phía Trung Quốc nhằm để bố trí cho phần lớn tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án, phần còn lại sẽ bố trí từ vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này được đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải liên tục điều chỉnh tiến độ vì nhiều lý do trong đó về nguồn vốn giải ngân là điểm nghẽn lớn nhất.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.