Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ được vận hành thử toàn hệ thống để phục vụ đánh giá, nghiệm thu dự án nhằm đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày ảnh 1Toàn bộ 13 đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã được chạy thử nghiệm an toàn. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, theo đề cương vận hành thử hệ thống tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc) sẽ vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày theo tiêu chuẩn thiết kế để phục vụ đánh giá, nghiệm thu dự án.

Theo đó, các nhà ga đều có nhân viên ứng trực tại phòng điều khiển, phòng bán vé; các bảng điện tử, loa phát thanh hoạt động để hướng dẫn người đi tàu. Mỗi ngày có từ 6-9 đoàn tàu vận hành liên tục trên tuyến. Thời gian vận hành trong đợt này sẽ kiểm chứng độ an toàn hệ thống và năng lực vận hành của toàn bộ nhân viên Việt Nam.

“Tuy nhiên, hiện chưa xác định thời điểm bắt đầu vận hành thử. Tổng thầu đang tiếp tục đào tạo, hướng dẫn thực hành các bộ phận nhân sự chuyên ngành của dự án để tiến tới vận hành thử toàn hệ thống,” đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội - đơn vị tiếp nhận khai thác dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông cũng cho biếtnhân sự của đơn vị này cũng đang được chuyên gia đào tạo thực hành, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ khai thác theo chương trình của dự án. Đến nay, chưa có kế hoạch về vận hành thử toàn hệ thống.

[Lý do khiến đường sắt Cát Linh-Hà Đông còn 1% nhưng mãi vẫn chưa xong]

Hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% hạng mục nhưng vì một số lý do vẫn chưa thể đưa vào vận hành thương mại. Vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 97% khối lượng thiết bị; đã vận hành, chạy thử 13/13 đoàn tàu.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân chính của việc chậm trễ là do chưa tập trung đủ hồ sơ để vận hành khai thác thương mại. Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang tiếp tục yêu cầu Tổng thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế dự án được duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống theo yêu cầu của Đơn vị tư vấn ACT (Pháp).

Tại buổi kiểm tra và làm việc về các dự án đường sắt vào đầu tháng Mười vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tiến độ hoàn thành như thế là quá chậm vì vậy đề nghị Tổng thầu phía Trung Quốc, Bộ Giao thông Vận tải cùng các cơ quan liên quan phối hợp xem xét đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào sử dụng, khai thác trong năm nay.

Chỉ rõ trách nhiệm chính trong sự chậm trễ của dự án này là từ nhà thầu, chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải) cùng phía tư vấn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, đưa dự án vào sử dụng với điều kiện đảm bảo tuyệt đối an toàn./.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng tương đương 552 triệu USD. Quá trình thực hiện dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,4 triệu USD.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục