Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ chính thức khai thác thương mại vào 6/11

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho Hà Nội tiếp nhận, sau đó sẽ chính thức khai thác vận hành thương mại vào sáng ngày 6/11.
Đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vận hành chạy thử trong ngày 1/11. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết đúng 7 giờ ngày 6/11, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ được bàn giao tiếp nhận, sau đó sẽ chính thức khai thác vận hành thương mại.

3 giai đoạn vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam

Thông tin tại buổi họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào chiều 4/11, theo ông Tuấn, thành phố Hà Nội là đơn vị khai thác vận hành tuyến đường sắt này. Quá trình vận hành sẽ trải qua 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 là vận hành chạy thử vào cuối năm 2020 và đầu 2021. Từ ngày 6/11/2021 bước sang giai đoạn 2 với thời gian là 1 năm. Trên cơ sở đó, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống và nếu đủ điều kiện sẽ chuyển sang giai đoạn 3.

“Dự án chậm 6 năm với nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy chuẩn tiêu chuẩn công nghệ, năng lực quản lý hệ thống, nguồn vốn vay… Đây là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam và dù các công nghệ, quy định đều khó khăn vướng mắc nhưng đến nay sau 10 năm kể từ khi thực hiện dự án đã về đích,” ông Tuấn nói.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết 13 đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chỉ là một nửa số đoàn tàu. Sau đó, tuyến này sẽ được kéo dài lên Xuân Mai và sẽ có tổng số tới 23-26 đoàn.

[Dự kiến ngày 6/11 sẽ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông]

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết kế hoạch vận hành giai đoạn đầu tính tối thiểu 1 năm từ bàn giao. Trong đó, sáu tháng đầu sau khi tiếp nhận sẽ vận hành từ thấp đến cao để phù hợp với mức độ sử dụng dịch vụ của người dân và điều hành linh hoạt (mở tuyến lúc 5 giờ và đóng tuyến 23 giờ, 1 tuần đầu 15 phút/chuyến, tuần sau 10 phút chuyến, nhưng nếu khách đông sẽ điều chỉnh tần suất giờ tàu chạy nhằm tiết kiệm và hiệu quả).

“Trong vòng 15 ngày đầu sẽ miễn phí hành khách đi tàu, sau đó sẽ thu tiền. Sáu tháng sau sẽ mở tuyến từ 5 giờ 30 và đóng tuyến 23 giờ 30, tần suất 6 phút/chuyến,” ông Trường cho biết.

Giá vé thế nào?

Theo ông Trường, giá vé của tuyến đường sắt xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng và được thành phố phê duyệt. Giá vé chặng 8.000-15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, cứ đi 1km cộng thêm 600 đồng; giá vé ngày là 30.000 đồng. Giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người, với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng.

“Trên thế giới, khai thác đường sắt đô thị chỉ có Nhật Bản và Hongkong là thu đủ bù chi, giá vé tuyến Cát Linh-Hà Đông đã bao gồm khoản trợ giá, phí mua bảo hiểm hành khách đã nằm trong giá vé,” vị Tổng giám đốc Metro Hà Nội khẳng định.

Hiện tại, đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông có 651 nhân sự tuy nhiên theo yêu cầu của Tư vấn, phía Metro Hà Nội đã bổ sung thêm 82 nhân sự; 41 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu tại Trung Quốc, 16 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu trong nước. Như vậy, bình quân 1km có 56 người vận hành.

Trên dọc hành lang đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có 55 tuyến buýt có trợ giá kết nối ngang và dọc, đã được phê duyệt từ năm 2020 đồng thời di dời các điểm tiếp cận xe buýt gần nhà ga của tuyến đường sắt. Nhà ga ít nhất có 7 tuyến xe buýt và nhà ga Cát Linh hay Yên Nghĩa là 16 tuyến. Các nhà ga đã bố trí điểm gửi xe máy, xe đạp./.

Dự án có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, có 12 nhà ga và 13 đoàn tàu với tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác 35km/giờ; thời gian tàu chạy từ ga Cát Linh-Hà Đông là 23,63 phút, khi đưa vào khai thác sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ-23 giờ hàng ngày.

Dự án có tổng mức đầu tư 868 triệu USD, tương đương khoảng 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Tháng 10/2011, dự án chính thức được khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.

Từ tháng 12/2018, dự án thực hiện căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm. Trong thời gian chạy thử 20 ngày, Tổng thầu EPC đã thực hiện vận hành hơn 5.740 chuyến tàu chạy, với tổng số hơn 70.000km vận hành an toàn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục