Khác với các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 30 Tết ở thành phố Huế vẫn tập nập người mua, người bán. Dù vậy, đường phố vẫn tươm tất hơn. Ngày cuối cùng của năm cũ, công tác chuẩn bị đón Giao thừa chào đón Xuân mới Đinh Dậu của người dân ở Huế trở nên háo hức hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tỉnh đón giao thừa bên bờ sông Hương. Chương trình nghệ thuật tổng hợp do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tại Sân khấu Quảng trường Ngọ Môn. Chương trình khởi động lúc 20 giờ 30 đến 22 giờ; chương trình chính thức bắt đầu từ 22 giờ 30 đến 0 giờ 15 được truyền hình trực tiếp trên song Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT). Đúng vào thời khắc giao thừa sẽ có một tiết mục trống hội.
Theo đại đức Thích Không Nhiên - Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, trong thời khắc giao thừa toàn bộ các ngôi chùa và Niệm Phật đường ở Huế đều cử ba hồi chuông trống Bát nhã, làm lễ đón giao thừa và cũng là lễ vía Đức Phật Di Lặc đản sinh. Theo đó, các chùa ở Huế cũng cử 3 hồi chuông trống trong giờ khắc chuyển giao năm cũ và mới.
Thực ra, mùa Xuân đến sớm với người dân Huế, bởi từ sau lễ dựng nêu (23 tháng Chạp) với họ đã là Tết đến. Người dân đã sẵn sàng đón Giao thừa chào đón năm mới Đinh Dậu bởi ở đâu trên phố cũng cờ, hoa; ở đâu cũng rộn ràng sắc Xuân. Ấy vậy nên sinh thời, nhà thơ Thanh Hải, một người con của Huế cũng muốn góp một cành hoa để làm nên mùa Xuân ở đất cố đô: Mùa Xuân, mùa xuân/ Một mùa Xuân nho nhỏ/ lặng lẽ dâng cho đời. Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến.
Đối với khách du lịch đến Huế dịp này họ hào hứng với lễ dựng nêu; được trải nghiệm không khí mua bán tấp nập ngày Tết, hoa đủ màu khoe sắc tại các chợ hoa, tha hồ bấm máy. Tại không gian nhà lưu niệm Hoàng thái hậu Từ Cung, Roland (quốc tịch Na Uy) đến Huế du lịch vào những ngày giáp Tết được các nhân viên ở đây hướng dẫn bày lễ cúng. Anh cũng thắp hương, đốt trầm, rót rượu và khấn nguyện. Nhìn điệu bô lóng ngóng của Roland mọi người hết sức mắc cười, nhưng với anh thì là sự trải nghiệm hiếm có trong đời. Anh cho biết, mong có dịp quay lại Việt Nam để được trải nghiệm các nghi lễ, tập tục văn hóa của Việt Nam trong những ngày Tết.
Tại khách sạn Mường Thanh Huế, khách du lịch thích thú tham gia gói bánh tét. Khi còn là hướng dẫn viên, những lần đưa khách đi du lịch dịp Tết, ông Nguyễn Đình Ân, một đơn vị kinh doanh du lịch ở Huế thấy khách ngoại quốc rất thích thú được tìm hiểu Tết cổ truyền của người dân địa phương. Nhiều hoạt động dù nhỏ nhưng diễn ra đúng thời điểm ấy vẫn thu hút du khách. Ông chia sẻ: "Huế là nơi có nhiều lễ hội văn hóa, dù vậy, việc tổ chức cho du khách khám phá Tết cổ truyền trước và trong Tết chưa nhiều. Tết Bính Thân cũng là lần đầu tiên ông tổ chức lễ cúng ông Táo và thượng nêu cho khách du lịch trải nghiệm."
Với ông Ân, sự trải nghiệm thực tế, với du khách chính là những sự truyền tải văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đến với những người khác một cách tốt nhất. Có lẽ Huế nên khai thác mạnh hơn nữa tour du lịch đón Tết cổ truyền, không chỉ giúp du khách có thêm lựa chọn khi đến Huế mà còn là sản phẩm để những người bạn ngoại quốc hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của người dân địa phương. Chính những điều tưởng chừng như đơn giản trong cuộc sống hàng ngày nhưng cũng là cách quảng bá để du khách hiểu hơn về văn hóa đất nước, con người Việt Nam.
Đó cũng là những tín hiệu vui để năm 2017, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục đổi mới các hoạt động du lịch để thu hút du khách, tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng du lịch. Tỉnh phấn đấu thu hút khoảng 3,3-3,5 triệu lượt khách (tăng 8%), lượng khách quốc tế chiếm từ 40-45%; doanh thu du lịch đạt 3.200-3.300 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2016.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao chia sẻ: Một năm cũ sắp qua đi với bao khó khăn, nhọc nhằn, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định Xuân no ấm ở khắp mọi vùng quê. Những ngày cận kề Tết, cán bộ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế càng tất bật, bận rộn hơn với công việc chăm lo Tết cho người nghèo. Tỉnh cũng vừa phân bổ xong 140,816 tấn gạo hỗ trợ cho các hộ nguy cơ bị thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, nhất là các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn hiện đang sinh sống tại các xã ven biển chịu thiệt hại bởi sự cố môi trường biển, với mức hỗ trợ 15 kg gạo/người.
Ngoài sự nổ lực của địa phương, phải kể đến đầu tiên là sự chung tay, góp sức nhiều cấp, nhiều ngành. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên-Huế dành tiền mua quà, trao 100 suất quà Tết cho bà con nhân dân bị thiệt hại do lũ lụt của 3 xã Phong Chương, Phong Bình, Điền Hương (huyện Phong Điền) trong những ngày giáp Tết.
Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phối hợp với tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức chương trình "Tết vì người nghèo," trao 230 suất quà Tết cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại hai xã vùng sâu, vùng xa, miền núi Hồng Trung và Hồng Vân, huyện A Lưới, mỗi suất quà gồm tiền mặt và chăn ấm trị giá 800.000 đồng với tổng kinh phí hơn 180 triệu đồng. Đây là số tiền do cán bộ, công nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tự nguyện góp tiền lương, hưởng ứng thực hiện các chương trình an sinh xã hội do đơn vị phát động.
Ông Lê Tẩy, một người dân Làng Rồng, thị trấn Thuận An - ngôi làng bị lũ lụt cuốn trôi 64 hộ dân ra biển trong trận đại hồng thủy năm 1999 chia sẻ: Làng mới do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt tên cho. Cũng từ bấy đến nay, đã 17 năm trôi qua, năm nào bà con ở đây cũng được đón nhận quà tết của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi cho bà con làng Rồng. Người dân Làng Rồng luôn cảm nhận được nghĩa Đảng, tình dân; thường xuyên nhận được sự chăm sóc của Đảng, nhà nước và các cấp chính quyền để vượt qua tai ương.
Những ngày cận kề Tết, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Bá Trình cũng đã đến thăm và trao 20 suất quà cho những hộ nghèo ở xã Lộc An (huyện Phú Lộc) và 25 hộ nghèo khác tại xã Dương Hòa, Phú Sơn (thị xã Hương Thủy), mỗi suất 1 triệu đồng. Dịp này, Chi nhánh VietinBank Thừa Thiên-Huế tặng 530 suất quà với tổng trị giá 180 triệu đồng cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn tại huyện A Lưới và các cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế được vui Xuân đón Tết.
Từ khắp mọi vùng quê ở Thừa Thiên-Huế hiện nay, dù thời tiết không mấy thuận lợi, mưa rét kéo dài, nhưng bất kỳ nơi đâu ở Thừa Thiên-Huế, mọi người luôn cảm nhận được một cái Tết đầm ấm, như sức Xuân đã nãy lộc, vươn chồi.../.