Đường Lâm cân bằng truyền thống, hiện đại trong công tác an toàn thực phẩm

Với lượng khách du lịch tăng và nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao, người dân nơi đây đang nỗ lực duy trì các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đồng thời tiếp tục bảo tồn các nghề ẩm thực truyền thống.

Du khách trải nghiệm làm bánh chưng tại khu làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. (Ảnh TTXVN)
Du khách trải nghiệm làm bánh chưng tại khu làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. (Ảnh TTXVN)

Ẩm thực Việt Nam vốn nổi tiếng với vô vàn hương vị đặc sắc và phong phú, cùng với các món ăn truyền thống lâu đời được truyền qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, với nhu cầu thưởng thức ẩm thực ngày càng được nâng cao, ngày nay ẩm thực địa phương cần phải tìm cách thích ứng để vừa bảo tồn bản sắc lâu đời, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe của người tiêu dùng.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km, làng cổ Đường Lâm, xã Đường Lâm, là nơi lưu giữ kiến trúc nhà cổ đặc trưng vùng Bắc Bộ. Du khách trong và ngoài nước đến thăm Đường Lâm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những căn nhà trăm tuổi và thưởng thức ẩm thực phong phú, với các món ăn truyền thống đặc sắc như tương nếp, thịt quay đòn và kẹo lạc.

Với lượng khách du lịch tăng và nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao, người dân nơi đây đang nỗ lực duy trì các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đồng thời tiếp tục bảo tồn các nghề ẩm thực truyền thống.

“An toàn thực phẩm rất quan trọng bởi thực phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng,” anh Kiều Việt Sơn, chủ một cơ sở sản xuất thịt quay đòn nổi tiếng ở Đường Lâm, chia sẻ.

Thịt quay đòn là một đặc sản của làng cổ Đường Lâm. Tương truyền món ăn này xuất hiện từ hơn 1.000 năm trước, khi vua Ngô Quyền chiêu đãi quân sỹ sau khi thắng trận trên sông Bạch Đằng năm 938.

Thịt quay đòn Lương Hương, cơ sở kinh doanh của gia đình anh Sơn, mỗi ngày sản xuất khoảng 200-300 cân thịt quay đòn để cho các nhà hàng và dịch vụ làm cỗ quanh làng.

Sáu tháng qua, hộ gia đình đã tích cực tham gia dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) do Canada tài trợ nhằm giúp người dân trong làng áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hiện đại vào quá trình sản xuất.

Nhờ sự hỗ trợ của SAFEGRO, cơ sở sản xuất của gia đình anh Sơn đã thay bàn chế biến bằng gỗ thành inox để ngăn ngừa các tạp chất ẩn chứa nguy hại, do chất ô nhiễm trong nước tù đọng, mảnh vụn từ thớt gỗ và vi sinh vật gây bệnh có thể ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất.

Gia đình anh cũng tự bỏ ra 15 triệu đồng để lót gạch men sàn xi măng để giảm bụi bẩn và dễ dàng lau dọn, vệ sinh.

Bên cạnh cơ sở vật chất được nâng cấp, nhân viên trong cơ sở còn được đào tạo về quy trình và tầm quan trọng của việc sử dụng găng tay khi chế biến thịt.

Cách Thịt quay đòn Lương Hương chỉ 500m là Bếp Làng Đường Lâm, một nhà hàng có tiếng chuyên phục vụ các món ăn truyền thống Bắc Bộ, vốn là khách quen của gia đình anh Sơn.

Bếp Làng Đường Lâm cũng là một ví dụ về hợp tác hiệu quả giữa SAFEGRO và doanh nghiệp địa phương.

Cũng với tinh thần chủ động như thịt quay đòn Lương Hương nhưng ở quy mô lớn hơn, bên cạnh những trang thiết bị vệ sinh tiếp nhận từ dự án, Bếp làng Đường Lâm còn đầu tư 78 triệu đồng để nâng cấp khu vực bếp, gồm thang máy nhà bếp và bể rửa siêu âm công nghiệp để xử lý số lượng bát đĩa lớn mỗi ngày.

Nâng cấp không gian, nâng cao tư duy

Trong khuôn khổ các hoạt động của dự án tại làng cổ Đường Lâm, SAFEGRO đã tổ chức tập huấn về các nguyên tắc và thực hành an toàn thực phẩm cho cán bộ, chủ doanh nghiệp và nhân viên cơ sở sản xuất thực phẩm trong xã.

Chị Cao Minh Luyến, quản lý tại Bếp làng Đường Lâm, cho biết: “Trước đây, chúng tôi cũng đã học các quy trình về an toàn thực phẩm, nhưng khi dự án về đây thì họ hỗ trợ và có chuyên gia đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ an toàn thực phẩm, từ đó bếp chúng tôi cũng có rất nhiều cải thiện.”

“Khi tham gia tập huấn, tôi thấy tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm là rất lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất, chế biến và tiêu dùng. Mình phải cùng nhau nâng cao ý thức và cùng nhau phát triển về an toàn thực phẩm,” chị Luyến cho biết.

duong-lam2.jpg
Khu vực nhà bếp của Bếp làng Đường Lâm giờ đây đã được chia thành các khu riêng biệt để xử lý thực phẩm sống và thực phẩm đã qua chế biến. Ảnh Trinh Nguyễn

An toàn và bền vững

An toàn thực phẩm đã luôn là một ưu tiên của Đường Lâm, nơi đón hơn 100.000 lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm. Trong quá trình phục hồi sau đại dịch, khu di tích làng cổ này đã đạt kỷ lục khi đón hơn 650.000 lượt khách năm 2023.

Xã đã thành lập ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm để thực hiện các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở chế biến và sản xuất. Phòng kinh tế thị xã cũng đã tổ chức tập huấn cho chủ doanh nghiệp và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Bà Phạm Thị Lệ Thủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đường Lâm cho biết: “Khi có dự án này về cho Đường Lâm thì chúng tôi rất phấn khởi. an toàn thực phẩm kết hợp với văn hóa, di sản, lịch sử thì tôi nghĩ sẽ đem lại tác động sâu rộng.”

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng Nông sản tại Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (nay là Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường) cũng chia sẻ cùng quan điểm.

Theo ông Thuận, mô hình hiện tại ở Đường Lâm đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy trải nghiệm và thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, giá trị và chất lượng của ẩm thực vẫn còn cần được cải thiện, hoạt động sản xuất của các làng nghề vẫn cần được quảng bá nhiều hơn để tạo việc làm và phát triển du lịch địa phương.

Sự hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài như Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada - đơn vị tài trợ cho SAFEGRO, đã giúp người dân bảo tồn bản sắc văn hóa, du lịch và ẩm thực tại địa phương, đồng thời cải thiện thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Thuận cho biết: “Dự án (SAFEGRO) có thể hỗ trợ vài năm về vận hành, nhưng quan trọng nhất là phía Việt Nam. Chúng tôi muốn kích hoạt được những hoạt động, chiến lược phát triển và tư duy để khi kết thúc dự án, Việt Nam sẽ tiếp tục làm chủ để triển khai, chứ không phải là dự án kết thúc thì mô hình cũng kết thúc.”

“Chúng tôi đang hướng đến phạm vi lớn hơn, theo đúng tên gọi của dự án là An toàn thực phẩm vì sự phát triển.”/.

(Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Phở các vùng miền có gì khác biệt?

Phở các vùng miền có gì khác biệt?

Giữa không gian cổ kính của Hoàng thành Thăng Long – nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa nghìn năm, Festival Phở 2025 đang diễn ra sôi động, thu hút đông đảo du khách và người dân thủ đô. 

Vĩnh Long: Xác lập kỷ lục 135 món ăn từ trái thanh trà

Vĩnh Long: Xác lập kỷ lục 135 món ăn từ trái thanh trà

Ngày hội Thanh trà và công diễn xác lập kỷ lục Việt Nam 135 món ăn chế biến từ trái thanh trà, không chỉ là dịp để người dân thưởng thức loại quả này, mà còn là cơ hội để quảng bá đặc sản địa phương,

Nước phở nóng sốt được chan vào bát. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về Nam Định tham dự lễ hội làng nghề Phở Vân Cù

Lễ hội làng nghề phở Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, Nam Định nhằm bảo tồn, phát triển và tri ân các bậc tiền bối đã làm nên một nghề Phở Vân Cù truyền thống, được lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc.

Các nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có 100 con tôm hùm trong khuôn khổ Lễ hội. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2025 quy tụ nhiều nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước với quy mô hơn 230 gian hàng gồm không gian bánh dân gian, không gian đặc sản vùng miền, không gian ẩm thực.