Đường hướng lãi suất vẫn là một câu hỏi mở với ECB

Chủ tịch ECB không đưa ra nhiều gợi ý về thời điểm giảm lãi suất trong tương lai và các tín hiệu gần đây của ECB cho thấy ngân hàng "không chắc chắn sẽ đi theo một đường hướng lãi suất cụ thể."

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/9 đã giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng ba tháng, qua đó tiếp tục nới lỏng dần lập trường chính sách mà ECB đã từng áp dụng để kiềm chế lạm phát cao ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

ECB đã giảm lãi suất tiền gửi 0,25 điểm phần trăm từ 3,75% xuống 3,5%. Ngân hàng này cũng thông báo giảm 0,6 điểm phần trăm trong hai hạng mục lãi suất chính khác của mình. ECB đã giảm lãi suất tiền gửi 0,25 điểm phần trăm từ 3,75% xuống 3,5%.

Ngân hàng này cũng thông báo giảm 0,6 điểm phần trăm trong hai hạng mục lãi suất chính khác của mình là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm. Lãi suất tái cấp vốn (main refinancing operations - MRO) là lãi suất mà các ngân hàng phải trả khi vay từ ngân hàng trung ương trong khoảng thời hạn một tuần, còn lãi suất cho vay qua đêm (marginal lending facility - MLF) là mức lãi suất mà các ngân hàng trong khu vực phải trả khi vay qua đêm. Như vậy, ECB đã thu hẹp sự chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và 2 loại lãi suất nói trên.

Động thái này nhằm giúp ECB quản lý tốt hơn các thị trường tiền tệ ngắn hạn, vốn là một phần quan trọng của thị trường tài chính.

Sau quyết định nói trên của ECB, các chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán châu Âu đã đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 12/9.

Đồng thời, thị trường chứng khoán Mỹ cũng kết thúc phiên giao dịch trong "sắc xanh," bất chấp sự sụt giảm ban đầu.

Nới lỏng một cách thận trọng

Lạm phát đã hạ nhiệt và ECB đang đối mặt với áp lực phải hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn của khu vực.

Nền kinh tế của Eurozone đã tăng trưởng yếu hơn một năm nay, một phần do chi tiêu của hộ gia đình suy yếu và lãi suất cao kìm hãm đầu tư.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn thận trọng, khi chỉ hạ lãi suất chậm rãi từ mức cao kỷ lục do lo ngại về tình trạng lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó có mảng kinh doanh nhà hàng-khách sạn và bảo hiểm.

Quyết định hạ lãi suất mới nhất được đưa ra sau khi ECB đã giảm lãi suất vào tháng Sáu, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2019.

ttxvn_ECB.jpg
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngay cả khi lạm phát của khu vực Eurozone đã giảm từ các mức cao hai chữ số, thì ECB cũng như Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ mới bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ một cách khá thận trọng.

Sau khi duy trì lãi suất ở mức cao trong một thời gian dài, các quan chức ngân hàng trung ương ngày càng tự tin rằng các biện pháp mà họ áp dụng đã ngăn chặn lạm phát cao kéo dài.

Tuy nhiên, vì vẫn lo ngại về khả năng tự mãn quá sớm với tình trạng lạm phát, nên các ngân hàng trung ương được dự đoán sẽ giữ lãi suất ở mức đủ cao để nền kinh tế không quá nóng.

Tuần tới, Fed được dự đoán sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên trong hơn bốn năm, sau khi lạm phát giảm xuống còn 2,5% vào tháng Tám. Tháng trước, BoE đã giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020.

Tuy nhiên, lãi suất vẫn còn cao hơn nhiều so với mức mà các chuyên gia kinh tế gọi là lãi suất trung tính, tức là mức lãi suất thúc đẩy cũng không kìm hãm nền kinh tế.

Tại Eurozone, cơ quan thống kê của khu vực cho biết lạm phát trung bình ở mức 2,2% trong năm nay tính đến hết tháng Tám, giảm từ mức 2,6% tính đến tháng trước đó.

Tuy nhiên, ngay cả khi lạm phát đã giảm xuống do giá năng lượng giảm và giá các hàng hóa công nghiệp tăng chậm hơn, nhưng lạm phát dịch vụ vẫn đang tăng tốc. Đây là một diễn biến khá khó chịu đối với các quan chức ngân hàng trung ương.

Bà Lagarde cho biết cần đặc biệt chú ý đến tăng trưởng tiền lương, lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng năng suất lao động, vốn những yếu tố ảnh hưởng mạnh đến giá cả trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cho biết, nhìn chung lạm phát đang diễn biến như họ dự đoán. Lạm phát được dự đoán sẽ có thời điểm tăng trở lại trong năm nay do giá năng lượng giảm chậm hơn so với năm ngoái, nhưng sẽ giảm xuống mức mục tiêu 2% của ECB vào cuối năm 2025.

Bà Lagarde cho biết các số liệu kinh tế đã củng cố niềm tin rằng ECB đang tiến tới mục tiêu của mình một cách kịp thời.

Tại một cuộc họp báo tại Frankfurt, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho hay với "quá trình giảm lạm phát dần dần" của khu vực Eurozone, thì "việc giảm lãi suất là hoàn toàn thích hợp."

Câu hỏi mở về mức độ hạ lãi suất

Tuy nhiên, bà Lagarde không đưa ra nhiều gợi ý về thời điểm giảm lãi suất trong tương lai. Các tín hiệu gần đây của ECB cho thấy ngân hàng "không chắc chắn sẽ đi theo một đường hướng lãi suất cụ thể."

ECB ngày 12/9 đã giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực, và lưu ý rằng lãi suất cao vẫn đang đè nặng lên đầu tư và chi tiêu tiêu dùng. ECB dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm nay và 1,3% vào năm 2025.

Ông Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế của ngân hàng ING Bank, nhận định triển vọng tăng trưởng suy yếu của khu vực Eurozone sẽ là chất xúc tác để ECB cuối cùng phải giảm lãi suất mạnh hơn.

ttxvn_ECB.jpg
Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng ECB sẽ giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 12, mặc dù một số người đã nâng dự báo về khả năng ngân hàng này sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 10.

Tuy nhiên, lãi suất cuối cùng sẽ dừng lại ở mức nào vẫn là một câu hỏi mở. Khi lãi suất bắt đầu giảm xuống, một số ít nhà kinh tế dự đoán lãi suất sẽ quay trở lại mức cực thấp từ trước đại dịch. Các nhà phân tích dự đoán rằng quá trình hạ lãi suất có thể dừng lại khi lãi suất đạt trong khoảng 2-2,5%.

Giữa lúc các quan chức ngân hàng trung ương đang loay hoay tìm cách đưa lạm phát về mức thấp và ổn định trong dài hạn, nhiều nhà lập pháp và các quan chức khác của châu Âu cũng đang cân nhắc báo cáo của ông Mario Draghi, người tiền nhiệm của bà Lagarde, về khả năng cạnh tranh của châu Âu được công bố tuần này.

Báo cáo của ông cảnh báo rằng châu Âu đang tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc, và khu vực này cần gần 900 tỷ USD đầu tư công vào các lĩnh vực như công nghệ và quốc phòng.

Các nhà hoạch định chính sách của ECB từ lâu đã cảnh báo rằng mức độ hỗ trợ của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế chỉ có giới hạn, nên châu Âu vẫn cần thực hiện các cải cách được thúc đẩy trong báo cáo của ông Draghi.

Bà Lagarde ngày 12/9 khẳng định chính phủ các nước có trách nhiệm thực hiện các cải cách này, còn ECB vẫn kiên trì với nhiệm vụ đảm bảo ổn định giá cả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục