Đường Hòa Lạc-Hòa Bình chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đến nay mới thi công được 7%, chậm so với tiến độ được duyệt 1,5 tháng.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Ly Kha/TTXVN)

Khởi công từ ngày 17/5/2014, dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đến nay mới thi công được 7%, chậm so với tiến độ được duyệt 1,5 tháng.

Theo ông Lưu Việt Khoa, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 2-đơn vị quản lý và điều hành dự án, nguyên nhân tiến độ “ì ạch” chủ yếu là do giải phóng mặt bằng chậm. Dự kiến phải đến 30/9/2015, các nhà thầu mới có mặt bằng sạch (chậm 2 tháng so với kế hoạch đề ra) để thi công.

“Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu hoàn thành công trình trước 19/5/2016 (rút ngắn 2,5 tháng). Tuy nhiên, theo tiến độ giải phóng mặt bằng thực tế, phải đến tháng 7/2016 thì dự án mới hoàn thành,” ông Khoa cho hay.

Cụ thể, báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 cho thấy, đường Hòa Lạc-Hòa Bình (Km6+680-Km32+368) với chiều dài 25,7km. Riêng đoạn qua tỉnh Hòa Bình có tổng chiều dài 19,3km, trong đó có 2,1km đi trùng Quốc lộ 6 (không phải giải phóng mặt bằng); chiều dài tuyến cần có mặt bằng là 17,2km, đi qua địa phận huyện Kỳ Sơn (bốn xã, một thị trấn) và thành phố Hòa Bình (một xã) với tổng số hộ bị ảnh hưởng là 658 hộ.

“Tỉnh Hòa Bình đã bàn giao 6km/17,2km (35%) mặt bằng. Đoạn chỉnh tuyến đèo Bụt (2,5km) chưa thể triển khai thi công ảnh hưởng 1km, đoạn tuyến có thể thi công là 5km (chiếm 30%). Đối với 9,7km (56%) còn lại, đã thực hiện xong công tác kiểm đếm đất đai, tài sản, niêm yết công khai phương án bồi thường, đang lập, thẩm định, phê duyệt các phương án bồi thường. Theo kế hoạch của địa phương đến 30/9/2015 mới bàn giao được mặt bằng sạch cho nhà thầu,” ông Khoa cho biết.

Đề cập đến công tác thi công, theo vị Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2, đường Hòa Lạc-Hòa Bình được chia thành 14 gói thầu xây lắp, trong đó có 9 gói thầu phần đường, 3 gói cầu, 1 gói an toàn giao thông và 1 gói thầu thi công trạm thu phí. Đến nay mới thực hiện được 7 gói với 19 mũi thi công, sản lượng đạt khoảng 7%, chậm so với tiến độ được duyệt 1,5 tháng.

“Về cơ bản, nhà đầu tư đã tổ chức, chỉ đạo các nhà thầu thi công đồng loạt trên tất cả các công địa đã có mặt bằng. Tuy nhiên, tiến độ thi công trên công trường chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là công tác thi công cầu, cống thoát nước và xử lý nền đất yếu,” ông Khoa nhìn nhận.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Ban quản lý dự án 2 yêu cầu nhà đầu tư tăng cường nhân sự, cán bộ kỹ thuật xử lý các khó khăn, vướng mắc về thủ tục (thiết kế, dự toán, điều chỉnh.. ); khẩn trương ký hợp đồng chính thức các hợp đồng còn lại để có thể tạm ứng hợp đồng, triển khai thi công đồng loạt các dây chuyền tại các phân đoạn đã có mặt bằng, phối hợp địa phương vận động nhân dân sớm bàn giao mặt bằng.

“Các nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, huy động đầy đủ các dây chuyền để thi công quyết liệt hơn nữa. Kiên quyết di dời khỏi công trường các đơn vị không triển khai thi công theo tiến độ cam kết,” ông Khoa khẳng định.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án 2 cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và công tác thẩm định; có cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian, trình tự, thủ tục thu hồi, đền bù để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ mặt bằng cho các đoạn còn lại.

Tại cuộc họp tình hình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình theo hình thức BOT vào cuối tháng Bảy vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị nhà đầu tư xem xét, đánh giá lại năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế, nếu không đạt yêu cầu, lựa chọn tư vấn khác đồng thời nhà đầu tư phải khẩn trương chuyển trụ sở điều hành dự án ở Hà Nội lên đặt tại hiện trường để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công trình.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị tỉnh Hòa Bình sớm ứng vốn cho công tác xây dựng các khu tái định cư để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và yêu cầu Ban quản lý dự án 2 hàng tháng phải có báo cáo trực tiếp lên Bộ trưởng về tình hình triển khai và nêu rõ các tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần giải quyết đảm bảo công trình hoàn thành đúng kế hoạch./.

Đường Hòa Lạc-Hòa Bình có chiều dài 25,7km, gồm 6,4km qua địa phận thành phố Hà Nội và 19,3km qua địa phận tỉnh Hòa Bình. Tổng mức đầu tư 2.942 tỷ đồng theo hình thức BOT. Thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm 11 tháng 8 ngày (từ 1/9/2016 đến 9/12/2040). Riêng trạm thu phí trên Quốc lộ 6 sẽ được thu trước từ ngày 1/8/2015.

Nhà đầu tư Liên danh Tổng công ty 36-Công ty Cổ phần đầu tư và thương Mại Hà Nội-Công ty Cổ phần xây lắp và thương mại Trường Lộc.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục