Ngày 4/9, Chính phủ Colombia đã đưa vào hoạt động đường hầm dài nhất Mỹ Latinh “Tunel de la Linea” (đường hầm La Linea).
“Tunel de la Linea” là một trong những công trình cơ sở hạ tầng lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ có thời gian xây dựng kéo dài hơn một thập kỷ.
Với chiều dài 8,5 km và tổng vốn đầu tư hơn 273,7 triệu USD, đường hầm này đi qua Hành lang trung tâm của dãy núi Andes phần thuộc Colombia và sẽ cải thiện việc kết nối tuyến đường bộ giữa miền Trung và khu vực Tây Nam của đất nước.
Ngoài ra, đường hầm La Linea cũng rút ngắn hơn thời gian đi lại giữa thủ phủ các bang Cali và Armenia với Bogota.
[Đan Mạch sắp xây dựng đường hầm vượt biển dài nhất thế giới]
Ngoài đường hầm La Linea, Chính phủ Colombia cũng đồng thời khánh thành 4 đường hầm khác, 5 cầu cạn, 2 nút giao đường bộ và 13,4 km đường mới tạo nên một phần của tuyến đường đôi nối liền các thành phố Cajamarca và Calarca.
Đường hầm La Linea nằm trong dự án xây dựng các tuyến đường qua Hành lang Trung tâm của Chính phủ Colombia bao gồm 30 km đường, 25 đường hầm và 31 cầu cạn dự kiến sẽ hoàn tất và chính thức đi vào hoạt động toàn bộ từ tháng 4/2021 với tổng chi phí 793 triệu USD.
Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng này nằm trong chiến lược thúc đẩy nền kinh tế và gia tăng khả năng cạnh tranh của Colombia thông qua việc giảm chi phí vận hành và vận chuyển cho các sản phẩm hàng hóa đến và đi từ cảng Buenaventura, bến cảng đóng vai trò quan trọng nhất của quốc gia Nam Mỹ trên Thái Bình Dương./.