Đường Đồng Mậm: Con đường của hy vọng đã trở thành hiện thực

Con đường dài hơn 20km nối Đồng Mậm với phần còn lại của xã Sơn Hải đã được những nhà hảo tâm bàn giao lại cho chính quyền xã ngày 9/5 vừa qua.
Đoàn khảo sát từ Hà Nội cùng lãnh đạo thôn Đồng Mậm kiểm tra con đường hôm 9/5. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Con đường xuyên núi dài gần 20km nối Đồng Mậm với phần còn lại của xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn đã được những nhà hảo tâm bàn giao lại cho chính quyền xã ngày 9/5 sau hai năm rưỡi được khởi công từ công sức của bà con trong thôn, cán bộ xã, huyện và tấm lòng thiện nguyện của rất nhiều người.

Mọi chuyện bắt đầu từ một phóng sự được phát trên VTC hồi năm 2011. Phóng sự viết về thôn Đồng Mậm, một thôn bị cô lập giữa hồ thủy điện Cấm Sơn, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Công trình thủy điện lớn nhất nhì miền Bắc đã "vô tình" chia cắt xã Sơn Hải thành những vùng riêng biệt mà Đồng Mậm trở thành một ốc đảo, hầu như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Thôn không có điện, không có trường, không có trạm xá, không đường vào, không có thông tin liên lạc.

Hơn 100 hộ dân với gần 400 nhân khẩu sống rải rác tại các ngọn núi, đồi quanh hồ Cấm Sơn, mọi hoạt động liên lạc với bên ngoài của cư dân Đồng Mậm phải thực hiện qua đường sông, xuyên giữa lòng hồ Cấm Sơn rộng mênh mông. Thương nhất là em nhỏ, để đến trường, sáng sáng các em phải gò mình chèo tay hơn 2 tiếng đồng hồ qua lòng hồ rộng, độ sâu tới cả trăm mét.

Với người dân nơi đây, một con đường đất đỏ nối Đồng Mậm với những phần còn lại của xã Sơn Hải là một ước mơ, một hy vọng xa xôi về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Thông qua các phương tiện truyền thông, một nhóm các nhà báo, nghệ sỹ, trí thức ở Hà Nội thông qua chị Phạm Thanh Hà (Báo Nhân dân), nhiều bạn bè, những người có tâm đã đã biết về Đồng Mậm. Suốt những năm qua, họ đã cùng vận động, quyên góp bạn bè, phối hợp với lãnh đạo chính quyền ở Đồng Mậm để xây dựng một con đường nối liền thôn này với phần còn lại của Sơn Hải.

Trong cuộc vận động ấy, đã có nhiều sáng kiến "lạ", nhiều nghĩa cử đẹp được thực hiện như quyên tiền qua Facebook, đấu giá các tác phẩm văn học-nghệ thuật: hơn 100 đồ gốm, tranh và bộ sưu tập tiền cổ của hoạ sỹ  Bùi Hoài Mai; bình gốm độc bản làm tay thiết kế bởi hoạ sỹ Lê Thiết Cương, tập thơ Vé một lượt của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu... và nhiều tác phẩm hội hoạ, gốm sứ, thủ công của các nhà văn, thơ, hoạ sỹ, nghệ nhân, các nhà sưu tập.

Các nghệ sỹ đã quyên góp hàng trăm triệu đồng từ các buổi đấu giá tác phẩm, kêu gọi các tấm lòng hảo tâm trong cộng đồng để giúp Đồng Mậm có đường, có điện.

Quang cảnh một buổi đấu giá các tác phẩm nghệ thuật ủng hộ Đồng Mậm. (Ảnh: Phương Mai/Vietnam+)

Con đường bắt đầu được xây dựng từ năm 2014. Chiều dài dự kiến ban đầu là 16km. Nhưng để nối liền các khu dân cư trong thôn, con đường đã được mở rộng lên gần 20km. Sau hai năm xây dựng, tổng kinh phí ước chừng 800 triệu đồng. Đến hôm nay, hình hài con đường đã tương đối rõ ràng. Xe máy, xe thô sơ và một số loại xe ôtô tải trọng nhẹ đã có thể di chuyển vào Đồng Mậm.

Cùng với việc xây đường, điện đã được kéo về Đồng Mậm. Cùng với điện, ánh sáng, truyền hình, quạt máy đã đến với người dân ở đây. Những đứa trẻ không còn phải trèo đèo, lội suối, vượt hàng giờ đồng hồ chèo tay trên hồ thủy điện để đi học.

Đến Đồng Mậm những ngày này nhìn ngôi nhà mới mái ngói đỏ tươi được xây bằng nguyên vật liệu chở đến từ bên ngoài thôn thông qua con đường mới, ngắm những nụ cười rạng rỡ của người dân khi bon bon trên chiếc xe máy mới hay đắm trong tiếng cười rộn ràng của đám trẻ rủ nhau tới trường mới cảm nhận được một cuộc sống ấm no hơn đã về với Đồng Mậm, cùng với con đường.

Cô giáo Nguyễn Thị Thạo - Hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Hà, một trong những người đi đầu trong công cuộc xây đường ở Đồng Mậm, xúc động chia sẻ: “Tôi cũng không nghĩ là lại có đường nhanh đến thế. Bởi đó đã luôn là mơ ước, là hy vọng cả đời của nhân dân ở đây nhưng chưa bao giờ thành hiện thực. Có được điều đó là do tấm lòng của mọi người đã nghĩ tới người dân của vùng khó khăn này. Tới nay, con đường đã cơ bản trở thành hiện thực.”

Nhà báo Phạm Thanh Hà trao quà, sách vở cho học sinh ở trường Tiểu học Sơn Hà, Đồng Mậm. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Đường mới cũng thay đổi mạnh mẽ bức tranh kinh tế, xã hội tại Đồng Mậm. Chị Nguyễn Thị Phúc - một người dân, xúc động: “Có đường về, bà con nhân dân cũng đỡ khổ. Có điện vào, chúng tôi mới có ánh sáng, có phim xem, mới biết thế giới thông tin, cập nhật thị trường. Nói chung là sướng lắm. Ngày xưa khổ 10 phần, bây giờ chúng tôi chỉ khổ 5, 6 phần thôi. Kinh tế vẫn thế nhưng cái sướng bây giờ là có điện, có đường, có thông tin.”

“Chúng tôi ăn cơm không có điện khổ lắm. Tôi đã luôn nghĩ là đến lúc chết mình cũng sẽ không có điện. Tôi không ngờ, thực sự không ngờ là mình lại được nhìn thấy điện ở đất này. Bây giờ thì sướng rồi, quãng đời còn lại biết xem phim, có cái quạt, có điện là mãn nguyện lắm rồi, không còn muốn gì nữa cả,” chị Phúc rưng rưng.

Xây đường đã khó. Nhưng giữ được đường còn khó hơn. Con đường Đồng Mậm mới chỉ thành hình sẽ phải đối diện với những mùa mưa phía trước. Nếu không có những biện pháp giữ gìn, cải tạo, mọi nỗ lực đã bỏ qua trong hai năm qua sẽ trở thành vô nghĩa khi mùa mưa đến đi cùng nguy cơ xói mòn, sạt lở.

Con đường hy vọng đã trở thành hiện thực. Nhưng để hy vọng của ngày hôm qua và hiện thực của ngày hôm nay tiếp tục tạo đà cho tương lai tươi sáng hơn của bà con Đồng Mậm ngày mai sẽ cần rất nhiều việc phải làm, mà trước hết phải từ sự chung tay, ý thức xây dựng của toàn thể cộng đồng cư dân Đồng Mậm vì một con đường cho chính tương lai của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục