Đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê: Bắt khẩn cấp 21 đối tượng

Ngày 27/5, liên quan đến đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê liên quan đến gần 300 đối tượng vừa bị triệt phá, Công an thành phố Hà Nội đã bắt khẩn cấp 21 đối tượng.
Một số đối tượng bị tạm giữ để điều tra, làm rõ vi phạm. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 27/5, liên quan đến đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê liên quan đến gần 300 đối tượng vừa bị triệt phá, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã bắt khẩn cấp 21 đối tượng.

Trong 21 đối tượng bị bắt khẩn cấp, có 5 đối tượng bị bắt để điều tra về 2 hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”, 16 đối tượng bị bắt để điều tra về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.”

Đáng chú ý, trong số những đối tượng bị bắt khẩn cấp nêu trên có đối tượng Liu Dan Yang, sinh năm 1992, trú tại số 2 đường Bắc Tây Tam Hoàn, thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), đang tạm trú tại số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam.

Đối tượng Liu Dan Yang bị bắt vì là "mắt xích" trong đường dây tín dụng đen, chuyên cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ dưới hình thức "tín dụng đen" với gần 1 triệu tài khoản, do đối tượng tên Li, quốc tịch Trung Quốc cầm đầu.

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng năm 2017, Liu Dan Yang quen biết với Li. Tháng 6/2019, Li thỏa thuận thuê trả công cho Yang 50 triệu đồng/tháng để làm việc tại công ty con trong hệ thống của Li, có trụ sở tại phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), với nhiệm vụ quản lý, điều hành các bộ phận tại Việt Nam để vận hành phần mềm  “Ovay.”

Cơ quan Công an làm rõ, Li là Giám đốc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Hân Tinh Thâm Quyến. Công ty này có đội ngũ kỹ thuật viên lập trình các phần mềm cho vay chạy trên hệ điều hành Android của điện thoại di động thông minh và đội ngũ làm nhiệm vụ quảng cáo ứng dụng cho vay trên mạng Internet để người dùng biết.

Đồng thời với việc quảng cáo ứng dụng, Li tìm người để lập công ty tại Việt Nam, tuyển chọn đội ngũ nhân viên vận hành hệ thống ứng dụng cho vay tại Việt Nam bao gồm các bộ phận: Hành chính, nhân sự; Tài chính, kế toán; Thẩm định cho vay; Thu hồi nợ; Phát triển thị trường.

Sau đó, Li chỉ đạo đội ngũ trên lựa chọn các công ty trung gian thanh toán để ký hợp đồng dịch vụ “chi hộ” và “thu hộ”, nhằm vận hành việc giải ngân các khoản vay thông qua hình thức “chi hộ”; thu lãi và vốn vay thông qua hình thức “thu hộ.”

Thời gian làm điều hành ứng dụng "Ovay", Liu Dan Yang biết được, đối với các khách hàng vay qua ứng dụng ứng dụng "Ovay" thì khách vay 1 triệu đồng chỉ nhận về được số tiền 700 nghìn đồng đến 750 nghìn đồng, số tiền còn lại bị trừ là tiền lãi và tiền phí.

Đến tháng 3/2020, Li yêu cầu Liu Dan Yang bàn giao lại việc quản lý phần mềm "Ovay" cho đối tượng khác và cả hai đối tượng này bàn bạc, thống nhất đổi tên công ty thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam, cho Yang làm giám đốc, mở dịch vụ "chi hộ", "thu hộ" tại Việt Nam.

[Hà Nội: Xác định đối tượng cầm đầu cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê lớn]

Đối với dịch vụ "chi hộ", bên sử dụng dịch vụ "chi hộ" sẽ chuyển tiền trước vào các tài khoản ngân hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam.

Sau đó, Công ty này sẽ chi tiền cho bên thứ 3 theo danh sách khách hàng được bên sử dụng dịch vụ "chi hộ” cung cấp, bằng cách chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản của Công ty đến bên thứ 3.

Đối với dịch vụ "thu hộ", bên sử dụng dịch vụ sẽ cung cấp danh sách khách hàng cần thu tiền. Sau đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam sẽ thông qua các cổng trung gian thanh toán tại Việt Nam để bên thứ 3 chuyển tiền về. Sau đó, Công ty sẽ chuyển trả cho bên sử dụng dịch vụ "thu hộ" bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp qua tài khoản ngân hàng.

Trước đó, ngày 26/5, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, liên quan đến đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê liên quan đến gần 300 đối tượng vừa bị triệt phá, cơ quan Công an đã làm rõ và xác định được người điều hành chính hệ thống cho vay, đòi nợ tại Việt Nam là Nguyễn Quang Vũ, sinh năm 1987, trú tại phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội).

Còn Zhang Min (Mẫn), sinh năm 1986, người Trung Quốc là đối tượng quản lý phụ trách toàn bộ hệ thống đòi nợ tại Việt Nam. Đối tượng Zhang Min chịu trách nhiệm quản lý, đốc thúc các trưởng bộ phận đòi nợ của khách hàng.

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Quang Vũ khai nhận: Để hợp thức hóa việc cho vay lãi nặng và đòi nợ, các đối tượng thành lập công ty cầm đồ, lập 3 app vay là “cashvn," “vaynhanhpro” và “ovay.”

Đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng vay qua hệ thống 3 app trên khoảng gần 1 triệu người. Mỗi tháng, số tiền các đối tượng giải ngân cho vay khoảng 100 tỷ đồng.

Theo lời khai của Nguyễn Quang Vũ, đối tượng cầm đầu hệ thống này là người Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đối tượng người Trung Quốc không có mặt tại Việt Nam, Nguyễn Quang Vũ sẽ được ủy quyền, chịu trách nhiệm ký các giấy tờ liên quan đến ngân hàng, hợp đồng với khách hàng được công ty nhận đòi nợ thuê.

Qua những hoạt động điều hành chính hệ thống cho vay, đòi nợ tại Việt Nam, Nguyễn Quang Vũ được công ty trả tiền lương 44 triệu đồng/tháng.

Công an thành phố Hà Nội đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng điều tra, làm rõ, để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục