Đường dây 500kV mạch 3 sẽ “về đích” đúng hẹn

Với công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công như hiện nay, đường dây mạch 3 sẽ về đích ngày 28/4, đúng như cam kết thi đua.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đúng 19 giờ 25 phút ngày 8/11, đường dây 500kV 2 mạch Tân Định-Phú Lâm đã đóng điện thành công, sớm trước một ngày so với kế hoạch.

Như vậy, với việc cắt điện cả 2 đường dây 500 kV Bắc Nam đoạn Đắc Nông-Phú Lâm và Tân Định-Phú Lâm trong ngày 10/11 và đóng điện vào lúc 20 giờ 53 phút cùng ngày để đấu nối vận hành tạm đường dây 500kV Đăk Nông-Phú Lâm trên đoạn đường dây 2 mạch mới thi công xong có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung-Ban AMT xung quanh việc thi công đường dây 500kV mạch 3 Pleiku-Mỹ Phước- Cầu Bông trong thời gian 55 ngày đêm.

- Xin ông đánh giá quá trình triển khai thi công giai đoạn 1 trong thời gian 40 ngày khi cắt điện đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm?

Ông Nguyễn Đức Tuyển: Trong thời gian từ ngày 1/10 đến ngày 8/11, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và các đơn vị xây lắp hoàn thành việc thi công đường dây 500kV 2 mạch Tân Định-Phú Lâm, rút ngắn được 1 ngày so với kế hoạch.

Để làm được việc này trong 39 ngày, tôi phải khẳng định trước hết là sự quan tâm chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), NPT, sự điều hành trực tiếp và kiên quyết của Ban AMT ngay từ những ngày đầu và đặc biệt là của lực lượng thi công.

Mặc dù hơn hai tuần mưa, công nhân xây lắp phải làm tăng ca tăng kíp, ở ngay tại hiện trường, tạnh mưa là tranh thủ triển khai ngay. Những ngày trời nắng, chúng tôi động viên anh em làm từ 5 giờ sáng và kết thúc đến 7 giờ tối. Công nhân cũng phải làm cả ban đêm để bù lại khối lượng.

Song song với việc thi công, việc đền bù giải phóng mặt bằng mặc dù Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có những quyết định liên quan đến hỗ trợ nhưng một số người dân vẫn chưa đồng tình ủng hộ.

Ngay từ ngày đầu, chính quyền địa phương từ cấp huyện đến cấp xã, hội đồng bồi thường đã thành lập tổ công tác để cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hàng ngày. Trong đó, huyện Củ Chi, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã sâu sát, điều hành tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng hàng ngày, nhất là vị trí 1101. Sau khi đã giải thích, hộ dân cuối cùng ở vị trí 1101 đã hiểu rõ để đồng tình bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Bên cạnh đó, nhờ tuyên truyền vận động sâu động ngay từ ngày đầu của 55 ngày cắt điện, không chỉ cán bộ, công nhân viên trong ngành điện mà người dân trên địa bàn cũng hiểu được ý nghĩa của việc hoàn thành từng đợt cắt điện, sớm đưa đường dây vào vận hành ngày nào là đảm bảo cấp điện cho miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh ngày ấy. Người công nhân xây lắp càng hiểu rõ việc quan trọng này nên đồng tâm hiệp lực cùng Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan đảm bảo tiến độ dự án.

- Vậy theo ông, phương án 40 ngày cắt điện giai đoạn 1 có sát với thực tế không?

Ông Nguyễn Đức Tuyển: Kể từ khi Tập đoàn thông qua phương án này, chúng tôi hiểu được ý nghĩa của việc sớm đưa đường dây 500kV mạch 2 Tân Định-Phú Lâm vận hành ngày nào thì hệ thống điện quốc gia sẽ có dự phòng và đảm bảo tiêu chuẩn độ tin cậy n-1 để đảm bảo cung cấp điện cho phía Nam.

Ngay từ ngày đầu, 18 tổ thi công cùng triển khai ngay trên công trường tại 18 vị trí. Qua thực tế triển khai, tôi cho rằng rất sát và đúng với thực tế. Bởi chúng tôi cũng lường trước mọi việc, nhất là về thời tiết.

Việc thực hiện khối lượng trong 40 ngày vừa rồi không chỉ dựng cột 18 vị trí và đấu nối dây đảm bảo vận hành đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm mà còn tháo tất cả 17 vị trí cột và thu hồi toàn bộ dây cũ của đường dây 500kV mạch 2. Hiện công tác thu hồi đã hoàn tất và giao cho Công ty Truyền tải điện 4 quản lý.

- Từ kết quả của giai đoạn 1, ông đánh giá thế nào về tiến độ của giai đoạn 2, bắt đầu từ ngày 10/11-24/11?

Ông Nguyễn Đức Tuyển: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho giai đoạn 2 đã sẵn sàng. Tại hai vị trí dựng cột 3349 và 8601, chúng tôi đã tập kết đầy đủ cột và làm các điều kiện trước để bắt đầu từ lúc cắt điện là có thể tiến hành dựng cột được ngay.

Nhiệm vụ trọng tâm của đợt cắt điện 15 ngày này là dựng hai vị trí cột 3349 để đấu nối vào đường dây 500kV mạch 1 Đắc Nông-Phú Lâm và vị trí cột 8601 để đấu nối vào đường 500kV Đắc Nông-Phú Lâm, điểm đấu nối tạm dưới đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 để chuyển đổi vận hành đường 500kV Đắc Nông-Phú Lâm sang Tân Định-Phú Lâm.

Do vậy, ngày 10/11 và 24/11, là hai ngày phải cắt điện cả hai mạch để chuyển đổi, 13 ngày còn lại là cắt điện tiếp đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm. Với việc điều hành tiến độ 40 ngày vừa qua và công tác chuẩn bị cho giai đoạn 15 ngày tới của các Công ty: Truyền tải điện 4, Xây lắp điện 2 và 4, Ban AMT và các đơn vị thi công trên công trường, tôi cho rằng tiến độ ngày 10/11 cắt điện và 24/11 đóng điện lại là hoàn toàn khả quan và nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi.

- Liên quan đến toàn bộ dự án đường dây 500kV mạch 3, ông đánh giá thế nào về từng phần việc đang triển khai?

Ông Nguyễn Đức Tuyển: Hiện các địa phương đã bàn giao mặt bằng 918/926 vị trí, chỉ còn 8 vị trí; trong đó, Bình Phước có 2 vị trí ở huyện Chơn Thành đã phê duyệt phương án đền bù, trong tuần này sẽ tiến hành chi trả; khu vực Bình Dương còn 6 vị trí của huyện Bến Cát, cuối tuần qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất cuối tháng 11 này sẽ bàn giao cho đơn vị thi công. Công tác đúc móng sẽ kết thúc trong tháng 11, chậm nhất là sang tháng 12.

Việc cung cấp cột đã đảm bảo tiến độ cho các nhà thầu và kết thúc trong tháng 11 này. Chúng tôi dự kiến việc dựng cột sẽ tập trung để cơ bản hoàn chỉnh các khoảng néo trong tháng 12. Sau đó sẽ triển khai kéo dây và kết thúc trong tháng 3. Phần cung cấp vật tư thiết bị hai đầu trạm và hai đường dây cũng cơ bản hoàn thành trong tháng 3.

Với công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công như hiện nay, đường dây mạch 3 sẽ về đích ngày 28/4, đúng như cam kết thi đua của các đơn vị tham gia.

- Trong quá trình triển khai thi công, công tác giải ngân vốn của dự án có gặp khó khăn không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Tuyển: Trên thực tế, việc giải ngân vốn xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị hiện vẫn chưa lớn; trong đó, phần cung cấp vật tư thiết bị (100 triệu USD) mới ứng được 10% và thanh toán các chuyến hàng đầu, phần xây lắp (1.920 tỷ đồng) mới thanh toán được 40%, chủ yếu là vốn ứng của EVN và NPT.

Đến nay, phía ngân hàng thu xếp vốn cho dự án là Viettinbank vẫn chưa hoàn thành các thủ tục vì còn phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc bảo lãnh cho khoản giải ngân này.

- Ngoài sự cố gắng của Ban Quản lý dự án, các đơn vị thi công, theo ông cần sự hỗ trợ nào nữa để đưa công trình mạch 3 “về đích” đúng tiến độ?


Ông Nguyễn Đức Tuyển:
Đặc thù của đường dây truyền tải là lúc nào kéo hết dây thì lúc đó mới hết các khó khăn nên để đảm bảo tiến độ đóng điện của dự án trong tháng 4 sang năm rất cần sự ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp.

Hiện 5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng đầy đủ, vấn đề ở đây là thực thi để hoàn chỉnh các phương án đền bù đó. Kinh nghiệm là ở nơi nào chính quyền địa phương ủng hộ thì nơi đó có sự thành công trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Trong quá trình triển khai toàn tuyến, chúng tôi nhận được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân các tỉnh, trực tiếp là hội đồng bồi thường, trung tâm phát triển quỹ đất của các huyện thị và các xã. Phần còn lại vấn đề đặt ra là với đường dây dài trên 437km, công tác quản lý như thế nào để điều hành 16 gói thầu phải cùng về đích đúng tiến độ.

Liên quan đến việc này, về phía Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo để điều độ và NPT đã giao cho một Phó Tổng Giám đốc trực tiếp điều độ dự án. Ban AMT thành lập các ban tiền phương ở tất cả 6 tỉnh, thành phố có đủ cán bộ kỹ thuật, cán bộ đền bù đủ điều kiện giải quyết nhanh các vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thi công./.


- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục