Đường cong lợi suất - nhân tố đang làm "chao đảo" Phố Wall

Diễn biến của đường cong lợi suất đang khiến các nhà đầu tư Phố Wall “đứng ngồi không yên” trong tuần này, khi nó được coi là dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái có thể sắp xảy ra.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 3/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Diễn biến của đường cong lợi suất đang khiến các nhà đầu tư Phố Wall “đứng ngồi không yên” trong tuần này, khi nó được coi là dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái có thể sắp xảy ra.

Trong khi đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp chính sách quan trọng trong hai ngày 18-19/12 mà theo dự đoán, Fed sẽ nâng lãi suất lần thứ tư trong năm nay, qua đó thắt chặt hơn chu kỳ tăng lãi suất.

Dấu hiệu suy thoái tiềm tàng?

Đường cong lợi suất thể hiện sự chênh lệch giữa lợi tức từ trái phiếu chính phủ Mỹ trong ngắn và dài hạn, thường là trái phiếu kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 2 năm.

Sự chênh lệch trên đã bị thu hẹp trong những ngày gần đây, và vào thứ Ba (4/12) đã giảm xuống còn 0,12 điểm phần trăm, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2007-2008. Chính diễn biến này đã thúc đẩy một đợt bán tháo cổ phiếu tại thị trường Phố Wall.

Hiện tượng trên được gọi là đường cong lợi suất phẳng vốn cũng là một diễn biến đáng lo ngại. Nhưng hiện tượng "đảo ngược" của đường cong - chỉ việc lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm lên cao hơn so với mức của trái phiếu kỳ hạn 10 năm - mới là điều mà Phố Wall lo sợ nhất.

Theo giới chuyên gia, diễn biến tương tự thường xảy ra trước hầu hết các cuộc suy thoái của Mỹ từ năm 1950 tới nay. Lần cuối đường cong này đảo ngược là vào tháng 2/2006, trước khi cuộc đại suy thoái năm 2008 bắt đầu.

[Nhiễu thông tin về thương chiến Mỹ-Trung, chứng khoán lao dốc]

Theo Phó Chủ tịch Karl Haeling của ngân hàng LBBW Bank, điều này cho thấy thị trường đang nhận định rằng đà tăng trưởng và lạm phát của kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ giảm tốc vào năm tới.

Tình trạng này dường như đang thách thức các logic của ngành kinh tế: trong giai đoạn bình thường, đầu tư càng ngắn thì lợi suất hay lợi tức cho nhà đầu tư càng thấp. Ngược lại, thời gian đầu tư càng dài thì lãi suất càng cao để bù đắp cho những rủi ro, đặc biệt là lạm phát.

Nhưng với một nền kinh tế đang “mất đà,” logic trên được lật lại.

Bà Kathy Jones, nhà quản lý cấp cao tại công ty môi giới đầu tư Charles Schwab, cho biết một lý do chính đáng khiến đường cong lợi suất đảo ngược là dấu hiệu cho khả năng xảy ra suy thoái: điều này có nghĩa là tín dụng đang được thắt chặt, trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát đều yếu đi.

Lợi suất ngắn hạn thường dịch chuyển song song với những thay đổi trong lãi suất vay qua đêm của Fed. Fed đã tăng lãi suất ba lần trong năm nay, với một lần nữa dự kiến diễn ra vào cuộc họp trong tháng 12 này, để ngăn chặn lạm phát tăng tốc. Điều đó làm tăng chi phí đi vay cho các hộ gia đình Mỹ, qua đó đẩy lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn trong khi giảm áp lực lên lãi suất dài hạn.

Mối quan hệ vẫn còn nhiều tranh cãi

Tuy nhiên, việc tăng lợi suất ngắn hạn cũng phản ánh mức vay mượn rất cao của Chính phủ Mỹ, khi Washington phần lớn sử dụng trái phiếu ngắn hạn để bù đắp cho thâm hụt ngân sách đang tăng lên. Những tín hiệu gần đây từ Fed cũng đã góp phần “làm phẳng” đường cong lợi suất trái phiếu. Đáng chú ý là bài phát biểu vào ngày 28/11 của Chủ tịch Fed Jerome Powell, một yếu tố được thị trường cho rằng là dấu hiệu về khả năng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ suy giảm.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 4/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hiện chỉ số lạm phát của Fed vẫn được duy trì ổn định quanh mức mục tiêu 2%, trong khi việc giá dầu đã mất tới 30% trong thời gian gần đây đã làm giảm bớt những lo ngại về khả năng giá cả tại Mỹ rơi vào vòng xoáy tăng phi mã.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực là 4,2% trong quý 2 và 3,5% trong quý 3/2018. Nhưng khi lợi suất dài hạn được hỗ trở bởi những lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, sự suy giảm trong các lĩnh vực như sản xuất ô tô và bất động sản đã bắt đầu đảo ngược xu hướng này và đẩy lợi suất dài hạn đi xuống.

Thêm vào đó, thông báo mới nhất của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Ratings nhận định rằng sau 113 tháng tăng trưởng liên tục, kinh tế Mỹ “đang trải qua hoặc nhanh chóng tiệm cận nửa sau giai đoạn phục hồi của mình."

Tuy nhiên, bất chấp những bằng chứng về lịch sử diễn biến của đường cong lợi suất, nhiều nhà kinh tế - bao gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell - vẫn đặt câu hỏi về độ tin cậy của đường cong này trong việc dự đoán khả năng xảy ra suy thoái. Một số người còn cho rằng đường cong lợi suất đã bị “bóp méo” bởi hoạt động bơm tiền vào hệ thống tài chính.

Hồi tháng Tám, chi nhánh Fed tại San Francisco đã công bố một nghiên cứu trong đó cho thấy rằng mối tương quan lịch sử giữa đường cong lợi suất bị đảo ngược và các giai đoạn suy thoái kinh tế không thể chắc chắn là mối quan hệ nhân-quả. Báo cáo cho rằng sự chênh lệch về lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 10 năm là một chỉ số có phần chính xác hơn, và nó vẫn còn cách hiện tượng đảo ngược khá xa.

Nhưng đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed có thể dẫn đến những biến động lớn khác mà giới chuyên gia không thể dự báo chính xác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục