Dương Chí Dũng không thừa nhận tội "tham ô tài sản"

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 22/4, bị cáo Dương Chí Dũng không thừa nhận tội "tham ô tài sản" và tiếp tục kêu oan.
Bị cáo Dương Chí Dũng và các bị cáo khác trước vành móng ngựa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục diễn biến phiên tòa phúc thẩm, xét xử công khai vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, trong ngày xét xử đầu tiên 22/4, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tiến hành xét hỏi các bị cáo và các nguyên đơn dân sự để xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo.

Trước khi bắt đầu phần xét hỏi, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, Chủ tọa phiên tòa đã thay mặt Hội đồng xét xử tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung đơn kháng cáo của các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

16 luật sư đã có mặt để tham gia bào chữa cho 9 bị cáo có đơn kháng cáo. Dự phiên tòa còn có những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, đại diện các cơ quan liên quan và nguyên đơn. Phóng viên một số cơ quan thông tấn, báo chí tới dự và đưa tin về phiên tòa.

Tại phiên tòa phúc thẩm, trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Dương Chí Dũng đã thừa nhận hành vi phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng," xin khắc phục hậu quả và xin giảm hình phạt.

Còn về tội "Tham ô tài sản," bị cáo Dương Chí Dũng không thừa nhận và tiếp tục kêu oan.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Dũng khai không nhận 10 tỷ đồng từ Trần Hải Sơn; việc gia đình nộp số tiền 4,7 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả chung cho cả hai tội.

Bị cáo Mai Văn Phúc cũng không thừa nhận các tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" mà chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng mình chỉ vi phạm ở việc ký nháy vào văn bản mua ụ nổi 83M. Cũng theo bị cáo Sơn, Dũng và Phúc đã chỉ đạo phải mua bằng được ụ nổi 83M thông qua Công ty AP (Singapore).

Bị cáo Trần Hữu Chiều thừa nhận việc nhận 340 triệu từ Trần Hải Sơn và xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Chiều cũng khai rằng đã cùng với Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang tham gia đoàn khảo sát và là người trình báo cáo sau khi khảo sát cho Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Mai Văn Phúc.

Trước tòa, bị cáo Mai Văn Khang kêu oan đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm án vì Khang cho rằng mình chỉ là phiên dịch trong đoàn khảo sát mua ụ nổi 83M ở Nga. Bị cáo Khang cũng thừa nhận đã tham gia góp ý vào bản báo cáo khảo sát về một số chi tiết chưa phù hợp trong bản báo cáo. Đoàn khảo sát không khảo sát toàn bộ quá trình hoạt động của ụ nổi 83M, cụ thể không chứng kiến việc tự nổi lên của ụ nổi mà chỉ chứng kiến một phần.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Văn Dương đã thay đổi nội dung kháng cáo, chuyển từ đề nghị minh oan sang xin giảm hình phạt. Bị cáo Dương khai khi Trần Hải Sơn nhờ giúp đỡ việc mua ụ nổi, bị cáo chỉ là người đưa ra thông tin kỹ thuật về ụ nổi 83M. Bị cáo Dương thừa nhận hành vi phạm tội của mình đã làm biên bản kiểm tra giám định không đúng với tình trạng thực tế của ụ nổi 83M để báo cáo lãnh đạo Vinalines.

Bị cáo Huỳnh Hữu Đức xin giảm hình phạt và giảm mức bồi thường, do mức án quá cao và nhận thức của bị cáo tại thời điểm đó ụ nổi 83M không phải là tàu biển nên cho thực hiện các bước tiếp theo để làm thủ tục hải quan.

Bị cáo Lê Văn Lừng giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra và thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo xin giảm hình phạt, giảm bồi thường.

Bị cáo Lê Ngọc Triện khai, tình trạng của ụ nổi 83M là không đủ điều kiện nhập khẩu và đã báo cáo lãnh đạo Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Tại buổi làm việc chiều nay, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã xét hỏi đại diện nguyên đơn dân sự gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, giám định viên để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Ngày mai (23/4), phiên tòa phúc thẩm tiếp tục phần xét hỏi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục