Ngày 14/12, phiên tòa xét xử nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản được tiếp tục với phần tranh tụng giữa đại diện Viện Kiểm sát với các luật sư bào chữa và các bị cáo.
Tranh luận xung quanh việc xác định ụ nổi là tàu biển
Hầu hết các luật sư bào chữa tại phiên tòa đều cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển và việc áp dụng các quy chuẩn theo Luật Hàng hải với ụ nổi là không đúng.
Đối đáp lại luận điểm này, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội phân tích: “Vấn đề là quản lý Nhà nước đối với loại ụ nổi này như thế nào. Một tài sản hàng triệu USD, chẳng nhẽ vào Việt Nam rồi không có quy định nào quản lý? Phải có quản lý. Đó là hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, cơ quan chuyên môn mà cao nhất là Luật Hàng hải và các văn bản dưới luật điều chỉnh.”
Vị kiểm sát viên còn dẫn chứng, trong toàn bộ hồ sơ trình của các bị cáo đến thủ tục thanh toán trên giấy tờ đều thể hiện ụ nổi No 83M đều mở ngoặc “Sau đây gọi là tàu.” Trong biên bản giám định của Lê Văn Dương khi lập cũng ghi rõ, biên bản giám định kiểm tra trước khi mua tàu. Các thủ tục đăng ký ụ nổi này là tàu biển, có tên trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia. Tất cả hồ sơ pháp lý, tờ trình của Vinalines đều áp dụng Nghị định số 49/2006/NĐ-CP để mua ụ nổi. Việc Vinalines mua không tuân thủ theo luật đấu thầu là trái quy định của Nhà nước.
Hai vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố trước tòa tiếp tục xác định vai trò chủ mưu của bị cáo Dương Chí Dũng trong hành vi cố ý làm trái, Mai Văn Phúc vai trò cầm đầu, các bị cáo khác đều là đồng phạm. Kiểm sát viên nhấn mạnh: “Nếu các bị cáo làm đúng chức trách, vai trò của mình thì ụ nổi 83M không thể đưa về Việt Nam được.”
Về vốn vay của Vinalines và các vốn vay có phải của Nhà nước hay không, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định Vinalines là doanh nghiệp Nhà nước, 100% vốn điều lệ là của Nhà nước. Toàn bộ tài sản từ cơ sở vật chất đến vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đều là tài sản của Nhà nước. Do đó, Dương Chí Dũng là đại diện phần vốn của doanh nghiệp, là người chịu trách nhiệm cao nhất về quản lý nguồn vốn của công ty. Nếu làm ăn thua lỗ thì Nhà nước phải chịu, bị mất vốn.
Công tố viên phân tích: “Các luật sư đã nhầm khi cho rằng chỉ vốn qua kho bạc mới là vốn Nhà nước mà còn là các dòng vốn huy động khác, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng và vốn đầu tư khác do Nhà nước quản lý. Do vậy, vốn của Vinalines là vốn của Nhà nước.”
Với 9 triệu USD vay của Citibank để mua ụ nổi, khi Vinalines chấp nhận vay thì phải quản lý với tinh thần và trách nhiệm là quản lý tài sản của Nhà nước vì việc đầu tư đó là đầu tư cho doanh nghiệp Nhà nước. Thêm vào đó, toàn bộ tiến trình mua ụ nổi khi Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được chấp nhận phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa có văn bản trình lên cấp có thẩm quyền để phê duyệt. Toàn bộ việc ụ nổi không đúng với chỉ đạo của Chính phủ.
Với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, kiểm sát viên phân tích, 3 cán bộ hải quan này đã không làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Hải quan không chỉ để tính thuế mà còn có nhiệm vụ ngăn cản các loại hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc gia xâm nhập vào Việt Nam.
Các bị cáo tham ô kêu oan để nhẹ tội
Trong phần tranh luận về hành vi tham ô, cả 2 bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều kêu oan và cho rằng Trần Hải Sơn đã cố đổ tội sang mình để hòng làm giảm nhẹ tội.
Bị cáo Dương Chí Dũng đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ việc ai là người của Vinalines đã thỏa thuận việc thảo hợp đồng với Công ty AP. Theo lời khai của Trần Hải Sơn, ông Goh (Giám đốc Công ty AP) có thông báo với Sơn là Dũng và Phúc có thảo luận về việc này. Bị cáo Dũng cho rằng phải có chứng cứ để chứng minh, bị cáo Sơn cố tình đổ tội cho mình và ông Phúc để hòng làm giảm nhẹ tội, đề nghị được đối chất với ông Goh.
Bị cáo Mai Văn Phúc cho rằng để xác định bị cáo có liên quan tới số tiền 1,66 triệu USD hay không rất dễ. Hợp đồng thỏa thuận với Công ty AP đã có từ trước khi bị cáo về Vinalines và lúc vào tù mới biết có chuyện làm ăn. Bị cáo Phúc cũng tố cáo ngược lại về việc Trần Hải Sơn đã quanh co từ đầu tới cuối.
Bị cáo Trần Hữu Chiều cùng bị truy tố về hành vi tham ô cũng cho rằng ông Goh có 2 lời khai mâu thuẫn cần được chứng minh. Số tiền 340 triệu đồng mà Chiều nhận được từ Sơn là do trước đó Chiều chủ động vay Sơn 1 tỷ đồng để trang trải khó khăn của gia đình, hoàn toàn không liên quan gì tới hợp đồng mua bán này.
Các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Là bị cáo đầu tiên trong số 10 bị cáo được Hội đồng xét xử cho phép nói lời cuối cùng trước tòa, Dương Chí Dũng nhận mình có khuyết điểm trong việc phê duyệt dự án do không coi ụ nổi là tàu biển.
Bị cáo bày tỏ: “Tôi rất hối hận và thật lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân và tất cả cán bộ công nhân viên ngành hàng hải vì đã để xảy ra những sai sót này.” Bị cáo kêu oan và không thừa nhận phạm tội tham ô, mong tòa xem xét.
Các bị cáo còn lại phần lớn đều bày tỏ đã nhận thức được sai lầm của mình trong quá trình tham gia, thực hiện dự án và mong muốn khắc phục nếu có điều kiện thông qua gia đình. Mong muốn của các bị cáo là được tòa xét xử công tâm, đúng người, đúng tội, cho hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, mong được áp dụng mức án thấp nhất để sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời.
Phiên tòa xét xử nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines cùng các đồng phạm sẽ tuyên án vào 14h ngày 16/12./.