Ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xuất hiện mưa lớn kéo dài, kết hợp địa chất nền có đá phong hóa có thể là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở một số vị trí cục bộ trên mái taluy tại vị trí từ Km190+960 đến Km191+040 (dài 80m trong tổng số chiều dài 500m của gói thầu A7).
“Do vị trí sạt lở mái (nằm ở bên trái tuyến) thuộc phần phạm vi nền đường dự trữ của giai đoạn 2 của dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, có bề rộng hơn 10m, nên không ảnh hưởng đến an toàn giao thông,” ông Chung nhìn nhận.
Từ khi xảy ra sạt trượt, VEC đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Tư vấn giám sát và nhà thầu theo dõi tình trạng mái taluy, đánh giá tình hình địa chất để nghiên cứu phương án xử lý phù hợp.
Hiện nay, VEC đã chỉ đạo Ban quản lý dự án, Tư vấn giám sát và nhà thầu di dời khối lượng đất đá sạt trượt cục bộ đồng thời triển khai phương án xử lý mái dốc cho phù hợp với điều kiện địa chất và thực tế hiện trường.
Theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đoạn Km190+600-Km191+100 thuộc gói thầu A7 là nền đường đào. Phía trái tuyến tại Km190+900, vị trí đào lớn nhất sâu khoảng 40m, trong đó một phần mái dốc (mái taluy) được thiết kế bảo vệ bằng bê tông phun kết hợp với lưới thép.
Trên cơ sở bản vẽ được phê duyệt, nhà thầu tiến hành thi công ngoài hiện trường phù hợp với bản vẽ thi công và biện pháp thi công được duyệt. Trong suốt quá trình thi công, nhà thầu có hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ, và đặc biệt có sự giám sát chặt chẽ thường xuyên bởi Tư vấn giám sát quốc tế Getinsa (Tây Ban Nha). Do đó, công tác thi công hạng mục này đã tuân thủ quy trình thủ tục và chỉ dẫn kỹ thuật.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai có 8 gói thầu (từ A1-A8) với chiều dài 245km, đi qua khu vực địa hình địa chất phức tạp đặc biệt thuộc khu vực Yên Bái, Lào Cai. Dự án được thông xe toàn tuyến vào ngày 21/9/2014, trong đó gói thầu A7 được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 6/2014./.