Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ sửa chữa các 'ổ gà' hư hỏng ra sao?

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ sửa chữa các hư hỏng ra sao?

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được tiến hành sửa chữa bằng cào bóc bề mặt đường vị trí hư hỏng, "ổ gà", thảm lại mặt đường bê tông nhựa để đảm bảo đồng bộ chất lượng khai thác.
Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)-chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã tiến hành sửa chữa đoạn tuyến hư hỏng bằng việc xác định phạm vi hư hỏng, phương án sửa chữa, tiến hành cào bóc bề mặt đường vị trí hư hỏng, "ổ gà", thảm lại mặt đường bê tông nhựa để đảm bảo đồng bộ chất lượng khai thác.

Theo lãnh đạo VEC, việc sửa chữa được tiến hành từ 17 giờ ngày 14/10 đến 11 giờ ngày 17/10 tới theo biện pháp thi công đã được Tư vấn giám sát phê duyệt. Vị trí sửa chữa bao gồm các đoạn tuyến thuộc lý trình Km45+000 - Km46+000 (phải tuyến); Km46+000 (trái tuyến), Km27+000 (trái tuyến).

[Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi sẽ ‘vá’ xong hư hỏng trước ngày 16/10]

Cụ thể, Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chỉ đạo nhà thầu chịu trách nhiệm huy động đầy đủ máy móc thiết bị cần thiết để thi công đạt chất lượng theo yêu cầu của dự án.

Thống kê cho thấy, có khoảng hơn 70m² trên tổng số hơn 3,1 triệu m² mặt đường toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi phát sinh hư hỏng cục bộ dạng ổ gà, bong bật.

Ngay từ ngày 24/9 vừa qua, các đơn vị chức năng đã phát hiện, theo dõi, xử lý bước 1 vá sửa tạm các vị trí hư hỏng để đảm bảo lưu thông trước mắt. Đến nay, một số điểm xuất hiện bong bật trở lại do vá tạm không phải giải pháp bền vững.

“Mặc dù khối lượng sửa chữa không lớn, tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài nên thời gian qua các đơn vị chức năng chưa thể triển khai bước 2 xử lý triệt để. Khi điều kiện đảm bảo, các đơn vị chức năng triển khai bước 2, xác định phạm vi hư hỏng, phương án sửa chữa, tiến hành cào bóc bề mặt đường vị trí hư hỏng, "ổ gà", thảm lại mặt đường bê tông nhựa để đảm bảo đồng bộ chất lượng khai thác,” lãnh đạo VEC cho hay.

Nếu các điều kiện đảm bảo, phía VEC cam kết, chỉ cần 1-2 ngày, các nhà thầu hoàn thành khắc phục các ổ gà này. Các đơn vị bám sát thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng sửa chữa, hoàn thành sớm nhất trước ngày 17/10 tới.

“Do công trình hiện vẫn đang trong giai đoạn bảo hành, nhà thầu hoàn toàn chịu trách nhiệm cũng như chi phí sửa chữa khắc phục các hư hỏng trên tuyến,” lãnh đạo VEC khẳng định.

Bên cạnh đó, VEC cũng yêu cầu Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VECM), Trung tâm Khai thác vận hành đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS) phối hợp cùng nhà thầu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến trong suốt thời gian khắc phục sửa chữa.

Tại buổi thị sát hiện trường hư hỏng cục bộ trên đoạn tuyến vốn JICA (Đà Nẵng - Tam Kỳ) cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chiều ngày 13/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, qua phân tích ban đầu, nguyên nhân này có liên quan chất lượng công trình, yếu tố thi công chưa đảm bảo tại vị trí hư hỏng nhưng là vấn đề chất lượng cục bộ, không phải trên diện rộng toàn tuyến.

[Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chính thức bị tạm dừng thu phí từ 12/10]

“Bộ Giao thông Vận tải khẳng định toàn tuyến đảm bảo chất lượng chung khi đưa công trình vào khai thác. Vấn đề ở đây là cách xử lý, đảm bảo giao thông của các đơn vị chức năng, quản lý khai thác cao tốc còn kém, không kịp thời, thiếu trách nhiệm, không triển khai đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải, gây phản cảm với dư luận,” Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

Liên quan đến việc gói thầu A3 (đoạn vốn WB, Tam Kỳ-Quảng Ngãi) nghi vấn đắp bùn nền đường và nhà thầu bỏ giá thấp sẽ khó đảm bảo chất lượng công trình, Thứ trưởng Thọ lý giải, dự án đấu thầu quốc tế, nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) trúng thầu gói A3 do bỏ giá thấp, nhưng việc thi công phải đúng quy định, quy trình, có các đơn vị giám sát chặt chẽ, độc lập.

Sửa chữa cao tốc bằng kỹ thuật thô sơ. (Nguồn: VNEWS)

“Qua các kết quả giám sát, nghiệm thu công trình, không có chuyện dùng bùn (đất nhão dưới nước) để đắp nền đường. Hơn nữa, dự án có cả tư vấn nước ngoài, tư vấn độc lập, nếu vật liệu đưa vào công trình không đảm bảo, khi nghiệm thu không đạt sẽ buộc yêu cầu cào bóc và làm lại,” Thứ trưởng Thọ cho hay.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa chính thức ký quyết định tạm dừng thu phí trên toàn tuyến từ 0 giờ ngày 12/10 để khắc phục triệt để các hư hỏng trên đoạn tuyến Km0+000-Km65+000; báo cáo Bộ sau khắc phục để kiểm tra, trước khi cho thu phí trở lại./.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, được thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến từ ngày 2/9/2018. Trước đó, ngày 2/8/2017, đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ (Km0+000-Km65+000) thông xe kỹ thuật và đưa vào vận hành. 

Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1).

Tốc độ thiết kế 120km/giờ (đoạn đặc biệt khó khăn 100km/giờ). Dự án được chia làm 13 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng. Ngày 2/9, tuyến cao tốc này chính thức thông xe.

Được biết, Liên danh Oriental Consultants Co.,Ltd. (Nhật Bản)-Katahira Engineers International (Nhật Bản)-SMEC International Pty, Ltd (Australia) là Tư vấn giám sát thi công đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ. Đây là những tư vấn quốc tế giàu kinh nghiệm trong quản lý chất lượng đường bộ cao tốc.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục