Đường bay Hà Nội-TP.HCM nhộn nhịp đứng thứ 4 trên thế giới

Trong xếp hạng của Tổ chức kinh tế thế giới, đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là đường bay nhộn nhịp đứng thứ 4 trên thế giới.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam Airlines cung cấp)

Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), thị trường hàng không Việt Nam 5 năm qua phát triển bùng nổ, đặc biệt trong xếp hạng của Tổ chức kinh tế thế giới, đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là đường bay nhộn nhịp đứng thứ 4 trên thế giới.

“Con số khách vận chuyển khách trong năm 2016 vừa qua đã vượt dự kiến hành khách của năm 2020, có được kết quả này là do sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ,” ông Thành nhìn nhận.

Tại Hội nghị tổng kết công tác 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 của ngành giao thông vào ngày 10/1 vừa qua, theo báo cáo của Vietnam Airlines, năm 2016, hãng đã triển khai hoàn thành chương trình tái cấu trúc và cổ phần hóa, ngày 21/12/2016, Tổng công ty đã chào đón hành khách thứ 20 triệu, dự kiến kế hoạch 2017 là 21,7 triệu và đến tháng 11/2017, hàng không Việt Nam sẽ đón khách thứ 200 triệu.

Trước đó, ngày 3/1, cổ phiếu Vietnam Airlines đã chính thức lên sàn chứng khoán UPCoM với mức khởi điểm 28.000 đồng/cổ phiếu. Sau 2 ngày kịch trần đạt trên 51.000 đồng/cổ phiếu, hiện nay giao dịch bình ổn khoảng 41.00-42.000 đồng/cổ phiếu.

Thừa nhận thị trường hàng không bùng nổ là cơ hội lớn cho nền tảng kinh tế Việt Nam để hội nhập với thế giới nhưng cũng là thách thức trong thời gian tới, ông Thành cũng phân tích những thuận lợi đến kế hoạch sản xuất kinh doanh khi quý 1 và 2 của năm 2016 giá dầu thấp kỷ lục, đồng tiền Việt ổn định đã dẫn đến doanh thu công ty mẹ đạt 59.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.590 tỷ đồng, đạt kỷ lục cao nhất (cao hơn 5 lần so với năm ngoái).

Với lý do đó, năm 2017, Vietnam Airlines đưa ra kế hoạch vận chuyển 21,7 triệu khách, 290.000 tấn hàng hóa, 130.000 chuyến bay, 325.800 giờ bay. Dự kiến với giá dầu tăng và biến động, Vietnam Airlines lập kế hoạch báo cáo Bộ Giao thông Vận tải lợi nhuận hợp nhất khoảng 1.186 tỷ đồng, đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ tăng trưởng thị phần trên hành khách vận chuyển hãng hàng không truyền thống cùng với việc phát triển và đẩy mạnh hàng không giá rẻ (Jetstar Pacific) mà hãng đang chiếm xấp xỷ 70% cổ phần.

Sau khi Vietnam Airlines đạt tiêu chí hãng hàng không 4 sao, người đứng đầu Tổng giám đốc doanh nghiệp này nhấn mạnh an toàn hàng không là yêu cầu quan trọng và cấp bách trong môi trường sức ép căng thẳng về thời gian và hạ tầng hiện nay.

“Thành phố Hồ Chí Minh đã cho tăng cường lịch bay từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng sau, dẫn đến áp lực lên phi công, tiếp viên, đội ngũ kỹ thuật, sân bay ùn tắc nên phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, tăng cường kiểm tra giám sát là nhiệm vụ cấp bách. Hãng cam kết đảm bảo an toàn, chất lượng công tác dịch vụ, tính chuyên nghiệp trong phục vụ và khai thác,” ông Thành nói.

Ngoài ra, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, hãng và các công ty của ngành hàng không thường xuyên có áp lực quản trị rủi ro đầu vào lớn là chi phí nhiên liệu và tỷ giá, vì thế Bộ Giao thông Vận tải phải có ý kiến cụ thể với Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp hành lang pháp lý để áp dụng quản trị rủi ro như ổn định tỷ giá tiền tệ, bảo hiểm xăng dầu…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục