Theo một nghiên cứu mới được công bố trên kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ ngày 13/8, dưới bề mặt Sao Hỏa có thể tồn tại một đại dương nước ngầm.
Lượng nước này ước tính nằm dưới lớp vỏ Sao Hỏa khoảng 11,5-20 km và ẩn trong các vết nứt của đá ngầm. Lượng nước hiện có đủ lớn để có khả năng hình thành một đại dương toàn cầu trên sao Hỏa.
Những kết luận này dựa trên các phép đo địa chấn từ tàu đổ bộ Sao Hỏa InSight của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), trong đó sử dụng máy đo địa chấn để phát hiện những gì ẩn chứa bên trong Sao Hỏa từ năm 2018 đến năm 2022.
Theo nhà khoa học nghiên cứu hành tinh Vashan Wright làm việc tại Viện Hải dương học Scripps thuộc trường Đại học California (San Diego, Mỹ) - tác giả chính của nghiên cứu trên, nước trên Sao Hỏa được cho là đã tồn tại trên bề mặt hành tinh này trong thời gian ngắn vào hơn 3 tỷ năm trước, trước khi sao Hỏa có sông, hồ và đại dương.
Tuy nhiên, khi bầu khí quyển của Sao Hỏa mỏng đi, người ta cho rằng Hành tinh Đỏ đã mất đi nước trên bề mặt. Những phát hiện mới cho thấy nước đã thấm vào lớp vỏ của Sao Hỏa.
Nhà khoa học Vashan Wright nhấn mạnh: "Hiểu được chu trình nước của Sao Hỏa là rất quan trọng, vì từ đó chúng ta mới có thể hiểu được sự tiến hóa của khí hậu, bề mặt và bên trong Sao Hỏa"./.
Xe tự hành của NASA phát hiện dấu vết của sự sống trên Sao Hỏa
Xe tự hành Sao Hỏa Perseverance Mars đã tìm thấy tảng đá có các đặc điểm cho thấy nó có thể đã từng là nơi sinh sống của vi khuẩn cách đây hàng tỷ năm, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.