Dược phẩm giả của Ấn Độ tuồn vào thị trường Mỹ

Hãng dược phẩm lớn Ranbaxy Laboratories Limited của Ấn Độ đã bị phạt 500 triệu USD sau khi thừa nhận đã bán tân dược giả tại Mỹ.
Các nhà chức trách Mỹ ngày 13/5 cho biết hãng dược phẩm lớn Ranbaxy Laboratories Limited của Ấn Độ đã bị phạt 500 triệu USD sau khi thừa nhận đã bán tân dược không đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ tại thị trường nước này.

Trong một tuyên bố, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết công ty dược phẩm Ranbaxy USA - chi nhánh của hãng Ranbaxy Laboratories Limited có trụ sở gần thủ đô New Deli - đã nhận tội phân phối thuốc giả được sản xuất tại Ấn Độ vào thị trường Mỹ trong giai đoạn 2005-2006.

Công ty đã chấp nhận khoản nộp phạt trên, bao gồm cả tiền phạt để giải quyết các cáo buộc dân sự.

Theo bản cáo trạng tại tòa, công ty này đã nhập khẩu vào thị trường Mỹ các lô thuốc giả như Sotret - điều trị mụn trứng cá, Gabapentin - điều trị chứng động kinh và thuốc kháng sinh ciprofloxacin. Những loại tân dược này đều được sản xuất tại cơ sở của hãng gần thành phố Chandigarh.

Các thanh tra của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phát hiện lô hàng kém chất lượng và giữ lại để kiểm tra độ ổn định của thuốc.

Ngoài ra, công ty thừa nhận đã báo cáo không trung thực về các thử nghiệm đánh giá tính ổn định một số loại thuốc xuất khẩu trình lên FDA trong các năm 2006 và 2007.

Phát biểu tại tòa, Giám đốc Văn phòng Điều tra tội phạm của FDA, John Roth khẳng định có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều loại thuốc đặc trị được sản xuất tại cơ sở Paonta Sahibp là thuốc kém chất lượng, không đáp ứng các tiêu chuẩn dược phẩm của Mỹ.

Từ năm ngoái, cơ sở sản xuất dược phẩm Paonta Sahibp và một số cơ sở khác tại Dewas, Ấn Độ đã "lọt vào tầm ngắm" của các điều tra viên FDA./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục