Hai hãng hàng không Việt Nam đã được sân bay Mỹ cấp slot (lượt cất, hạ cánh theo giờ) là Vietnam Airlines và Bamboo Airways cho thấy quyết tâm khởi động các kế hoạch mở đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc hàng không Việt đã có thể bay thẳng đến Mỹ do vẫn còn nhiều thủ tục phải hoàn thiện.
Những điều kiện cần và đủ
Ngày 7/5 vừa qua, Hãng hàng không Bamboo Airways công bố vừa được cấp slot bay đến sân bay Los Angeles và San Francisco bắt đầu từ 1/9. Hãng này đặt mục tiêu triển khai các chuyến bay quốc tế không thường lệ (charter) tới Mỹ từ tháng Bảy và các chuyến bay thẳng thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và San Francisco từ tháng 9/2021, tần suất ban đầu khoảng 4 chuyến/tuần. Tần suất này sẽ dần được nâng lên 7 chuyến/tuần, căn cứ tình hình thực tế. Bamboo Airways cũng đang đề nghị Cục hàng không Việt Nam cấp phép bay thuê chuyến (charter) đến Mỹ.
Trong khi đó, Vietnam Airlines đã có slot bay ở các sân bay Mỹ từ cách đây 2 năm. Vào đầu tháng 9/2020, Vietnam Airlines đã được Bộ Giao thông Hoa Kỳ cấp phép bay thương mại đến Mỹ, trở thành hãng hàng không Việt đầu tiên có giấy phép này. Hiện hãng đã đi tiếp đến các bước tiếp theo gồm gửi hồ sơ xin phép tới Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ (TSA) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).
Hãng hàng không Quốc gia cũng đang khẩn trương đào tạo nhân sự, chuẩn bị tàu bay, mạng bán, hướng tới là hãng đầu tiên bay thẳng thường lệ Hoa Kỳ. Mới đây nhất, vào tháng 4/2021, Vietnam Airlines đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt cấp chứng chỉ khai thác Airbus A350 trên đường bay tới Mỹ (trước đó, mới chỉ có thể khai thác Boeing 787).
Phía Hội đồng quản trị Vietnam Airlines đã chấp thuận kế hoạch triển khai bay đến Mỹ, trong đó giai đoạn đầu sẽ xin phép bay thường lệ với nhà chức trách Mỹ cho đến khi phục vụ hết nhu cầu hồi hương người Việt. Sau đó, tiến tới giai đoạn 2 khai thác thương mại thường lệ. Trong năm 2020, Vietnam Airlines đã thực hiện hơn 20 chuyến bay thuê chuyến không thường lệ (charter) giữa Việt Nam và Mỹ để vận chuyển công dân hồi hương, hàng hóa và chuyên gia. Đến hiện tại, Vietnam Airlines là hãng đã có những bước tiến xa nhất trong việc đáp ứng điều kiện bay thẳng đến Mỹ.
[Khi nào các hãng hàng không Việt sẽ mở đường bay thẳng đến Mỹ?]
Một chuyên gia hàng không nhận định, mặc dù hàng không Việt đã có những bước tiến lớn, nhưng cần nhớ rằng giấy phép đã được Bộ Giao thông Hoa Kỳ cấp và slot bay ở các sân bay Mỹ mới chỉ là bước đầu. Các hãng vẫn còn phải theo đuổi việc cấp phép tại nhiều cơ quan có thẩm quyền của Mỹ gồm Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp phép khai thác; Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ cấp phép (TSA); các thủ tục khác với Cơ quan quản lý thu nhập nội địa Mỹ, Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NTBS); thông báo lịch bay, kế hoạch ứng phó khẩn nguy, hồ sơ xin giấy phép khai thác đến các cơ quan hữu quan… trước khi chính thức khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ đến Mỹ.
Một trong những thử thách lớn nhất phía trước là được Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ (TSA) cấp phép, do thủ tục ở khâu này đặc biệt khắt khe. Cụ thể, TSA phải sang khảo sát sân bay ở nước ta, đảm bảo phía Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh của họ thì mới xem xét các bước tiếp theo. Trong khi đó, giấy phép của TSA lại là cơ sở để Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp phép. Hiện chưa có hãng hàng không Việt nào có giấy phép của TSA và FAA.
Về năng lực kỹ thuật khai thác, Vietnam Airlines và Bamboo Airways hiện đều sở hữu tàu bay thân rộng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ. Trong số đó, Vietnam Airlines sở hữu đội tàu bay thân rộng "hùng hậu" với gần 30 tàu bay, gồm 14 tàu Airbus A350 và 15 tàu Boeing 787-9 (gồm 11 tàu 787-9, 4 tàu 787-10), còn Bamboo Airways có 3 tàu Boeing 787-9.
Tuy nhiên, các hãng cũng tính toán nếu bay thẳng Mỹ bắt buộc phải giảm tải (chở ít khách và hàng hoá hơn so với cấu hình thiết kế) sẽ không đảm bảo về mặt doanh thu, còn chọn phương án có 1 điểm dừng lại làm phát sinh thêm chi phí cất/hạ cánh và làm tăng thời gian bay, vì thế giảm tính cạnh tranh của dịch vụ.
Giấc mơ bay thẳng chưa thể trong sớm chiều
Hiện nay, hành khách từ Việt Nam đến Mỹ thường phải bay chuyển tiếp tại Hongkong, Đài Loan hoặc Hàn Quốc..., với thời gian bay khoảng 20 giờ, gồm cả quá cảnh. Nếu có đường bay thẳng, thời gian bay sẽ rút ngắn xuống còn khoảng 15-16 giờ.
Một con số khảo sát đánh giá cho thấy tiềm năng thị trường hàng không Mỹ-Việt là rất lớn, với khoảng 700.000-800.000 lượt khách đi lại mỗi năm. Với việc rút ngắn thời gian bay khi bay thẳng, các hãng bay Việt sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các hãng bay vòng, đặc biệt là khả năng tiếp cận đối tượng khách doanh thu cao là đối tượng khách có yêu cầu về thời gian đi lại.
Xác định Mỹ là thị trường chiến lược, theo đại diện Vietnam Airlines, hiện nay đường bay khai thác đi đến Mỹ gặp cạnh tranh rất lớn với các hãng hàng không bay vòng (có khoảng 20 hãng hàng không khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Mỹ nên gây sức ép cạnh tranh về giá bán).
[Mở đường bay thẳng tới Mỹ: Liệu có ‘khó thở’ hay yên tâm không lỗ?]
Vì thế, ngay từ những năm 2010, Vietnam Airlines đã hợp tác với hãng hàng không Delta Airlines bay đến Mỹ để nối chuyến (codeshare), có các sản phẩm phục vụ đường bay… nhằm thăm dò thị trường Việt-Mỹ đồng thời tạo thói quen cho hành khách bay đến Hoa Kỳ trên các chuyến bay mang số hiệu của Vietnam Airlines và tiến tới mục tiêu năm 2022 hãng sẽ bay khai thác thương mại tới Mỹ.
Một chuyên gia về hàng không nhìn nhận, khai thác đường bay thẳng Việt-Mỹ không hề dễ bởi theo một tính toán trước đây, cần phải 5-10 năm, các hãng mới có thể khai thác hòa vốn đường bay này. Ước tính, mức lỗ trong những năm đầu khai thác ít nhất cũng lên tới 30-50 triệu USD mỗi năm.
Mặt khác, giai đoạn hiện nay còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, nhu cầu đi lại bị hạn chế, hãng hàng không đang đối mặt với khó khăn và thiệt hại tài chính... Do đó, các chuyên gia cho rằng rất khó có khả năng hàng không Việt cất cánh bay thẳng thương mại tới Mỹ trong năm 2021./.