'Được cầm lái tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một niềm vui sướng'

Những người lái tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đều được đào tạo bài bản và chắc tay nghề. Họ rất vui vì ngay trong những ngày đầu tiên đã chở hàng trăm nghìn người dân đi trải nghiệm tàu.
Lái tàu Lê Hoài Hanh điều khiển đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Lái tàu Lê Hoài Hanh điều khiển đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Khi tàu dừng tại ga Cát Linh, lái tàu Lê Hoài Hanh trong bộ trang phục áo trắng, khoác vest màu xanh than đậm bên ngoài, đội mũ kê pi vội vã mở cánh cửa để xuống ke ga...

Nhìn dòng người bước xuống tàu, Hanh cảm thấy vui sướng và tự tin bởi là người cầm lái đoàn tàu chở hàng trăm người dân trải nghiệm đi suốt dọc hành trình 12 nhà ga của một loại hình vận tải công cộng mới - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô nối từ điểm đầu là ga Cát Linh tới điểm cuối là Hà Đông.

38 người cầm lái đầu tiên

Biết được thông tin tuyển dụng lái tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông trên thông tin mạng, năm 2014, Hanh ứng tuyển tham dự và được chọn cùng với 37 nhân sự khác cử đi sang Bắc Kinh (Trung Quốc) để đào tạo lái tàu trong vòng 1 năm.

Tháng 11/2014, Hanh từ biệt gia đình, gói ghém hành lý lên đường. Trước khi đi, gia đình động viên chàng trai trẻ sinh năm 1990 này cố gắng học hành chăm chỉ và đỗ đạt để về nước có việc làm.

“Do mới học sơ cấp lớp tiếng Trung, thời gian đầu sang việc sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Rất nhiều anh em học viên đều có trong người cuốn sổ cẩm nang từ vựng hay một số câu hỏi, câu trả lời thông dụng để tiện trao đổi với người dân bản xứ. Sau dần dần, với vốn từ ‘học bồi’ được, đa số anh em đều hiểu và nói chuyện thành thạo,” Hanh chia sẻ.

Sáu tháng đầu học lý thuyết các môn đại cương chung về cách thức vận hành đường sắt đô thị, nghiệp vụ lái tàu, các tiêu chuẩn, quy định an toàn… Hanh cho hay dù được thầy giáo giảng dạy mỗi buổi học trên lớp, nhưng khi về nhà, các học viên lái tàu Việt Nam đều hỏi han nhau những nội dung nào chưa hiểu để tiếp thu kiến thức một cách nhanh nhất.

“Trước mỗi kỳ thi sát hạch lý thuyết, các phòng trong ký túc xá thường sáng đèn cả đêm bởi khối lượng kiến thức rất nhiều. Tuy nhiên, học viên đều hoàn thành tốt bài thi và đều được cấp chứng chỉ,” chàng trai trẻ nói.

6 tháng còn lại, Hanh bắt đầu quá trình học thực hành lái tàu trên tuyến đường sắt đô thị Bát Thông (Bắc Kinh) dài 20km với thời gian đầu là phụ lái theo sự hướng dẫn của giảng viên Trung Quốc.

[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông được bàn giao, khai thác thương mại]

Trong quá trình đào tạo, các học viên phải thực hiện vận hành trên 5.000km với sự giám sát của các chuyên gia Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo, các học viên được cấp chứng chỉ, đủ điều kiện thực hiện các bước công việc của tuyến Cát Linh-Hà Đông.

Nhớ lại lần đầu tiên trong đời cầm lái tàu, Hanh cười nhẹ và kể, lúc đó mồ hôi vã ra vì hồi hộp, lo lắng, nhất là giờ cao điểm có rất nhiều hành khách đi tàu. Tuy nhiên, Hanh cũng cho hay quy trình công nghệ, tốc độ vận hành tàu của Trung Quốc tương đương với Việt Nam nên anh không bị quá bỡ ngỡ.

“Ban lái tàu gồm 3 thầy giáo Trung Quốc và mình là người trực tiếp lái tàu. Sau hành trình, họ có những bảng đánh giá riêng đồng thời lưu ý bình giảng những gì chưa đạt được để hoàn thiện nghiệp vụ. Các thầy giáo là những người có kinh nghiệm và rất nghiêm khắc nên đa số học viên được đào tạo bài bản và chắc tay nghề,” lái tàu Hanh nói.

Thỏa ước mơ được... lái tàu

Gia đình có bác ruột theo đường sắt, từ nhỏ, Mai Văn Hùng, quê Tam Điệp (Ninh Bình) đã thường được nghe kể về nghiệp lái tàu và ước mơ ấy lớn dần theo năm tháng. Tới năm 2005, Hùng bắt đầu vào học trường Cao đẳng Đường sắt. Sau khi ra trường, anh đầu quân cho Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội và làm phụ lái chạy tất cả các tuyến đường sắt Việt Nam.

9 năm trong ngành và có trong tay 30.000km lái phụ tàu an toàn, Hùng về trò chuyện với gia đình xin nghỉ việc để chuyển sang học lái tàu đường sắt đô thị. Khi ấy, gia đình ai cũng phản đối vì thu nhập của anh đang ổn định. Thế nhưng, bản thân muốn tìm kiếm sự trải nghiệm mới nên anh nhất quyết đổi bằng.

Sau khi được tuyển chọn, phía Metro Hà Nội đã mời chuyên gia Bắc Kinh sang và đào tạo tại trường Cao đẳng nghề Đường sắt cả lý thuyết và thực hành cho 16 học viên lái tàu (12 người là lái chính tuyến, 4 người lái dồn khu Depo). Vốn có thâm niên lái tàu, anh học hỏi và hòa nhập nhanh chóng.

“Điều khiển tàu Metro mình cảm thấy thích hơn vì gia tốc nhanh. Trong quá trình sát hạch về lái, khó nhất là điều chỉnh tốc độ, dừng đỗ đúng vị trí êm nhẹ. Thời gian chạy tàu chính xác tính toán từng giây để không ảnh hưởng tới biểu đồ. Vì thế, được cầm lái tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông là niềm vui sướng và vinh dự đối với tôi," Hùng nói.

'Được cầm lái tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một niềm vui sướng' ảnh 1Những hành khách đầu tiên được trải nghiệm hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Vào quá trình chạy thử nghiệm, những lái tàu đi học Trung Quốc về nước cũng chỉ bảo rất nhiều để tập thể anh em lái tàu tiến bộ về tay nghề từng ngày.

Trong thời gian vài năm chờ đợi tuyến đường sắt này đi vào khai thác thương mại, cánh lái tàu như Hùng hay nhân viên vận hành ke ga, nhà ga chỉ được hỗ trợ mức lương tối thiểu vùng nên nhiều người đi làm Grab, lao động chân tay để kiếm sống.

[Gần 25.700 người dân đi trải nghiệm tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông] 

“Cũng nhờ động viên từ lãnh đạo Metro Hà Nội và sự hy sinh với nghề nên khi biết thông tin chính thức đưa vào vận hành, ai cũng hồ hởi và vui sướng bởi sau thời gian đằng đẵng chờ đợi thì ngày được chính thức lái tàu vận hành thương mại là một cảm xúc vui mừng khôn xiết,” lái tàu Hùng chia sẻ. 

Gần một năm vừa qua, cánh lái tàu như Hanh, Hùng đã liên tục được đào tạo vận hành chạy thử tàu. Những ngày qua, cả hai anh chính thức trực tiếp cầm lái tàu chở những hành khách đi trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông.

“Giơ cánh tay báo hiệu chuyến tàu đã về đích an toàn cho bà xã cũng là nhân viên vận hành tuyến ở khu vực ke ga Cát Linh là một cảm giác rất khó tả. Dù phải mất thời gian khá lâu để vận hành, khai thác tuyến nhưng những gì đào tạo với lái tàu đã trở thành bản năng nên khi trở lại công việc, tôi cũng như các anh em đều bắt nhịp rất nhanh,” Hanh nói với ánh mắt ánh lên niềm vui./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục