Tỉnh Bình Dương vừa thống nhất ngừng xây dựng dự án nâng tầng đại lộ Bình Dương do khó khăn trong bố trí nguồn vốn.
Trước đó, Bình Dương đặt quyết tâm nâng tầng đại lộ Bình Dương với 4 làn xe trên cao có chiều rộng mặt đường 18 mét được chia làm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 từ cầu Vĩnh Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) đến ngã tư Sở Sao (thành phố Thủ Dầu Một) có chiều dài 25,8km và nối dài dự án đến giáp ranh tỉnh Bình Phước.
Tổng nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là 616 triệu USD và giai đoạn 2 là 216 triệu USD.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, việc nâng tầng đại lộ Bình Dương sẽ góp phần tăng lưu thông xe cộ lên gấp nhiều lần hiện nay (hiện khoảng 50.000-60.000 xe ôtô/ngày đêm). Dự án này dự kiến được đầu tư trên 800 triệu USD.
Tuy nhiên, việc bố trí nguồn vốn gặp khó và giải pháp nâng tầng đại lộ Bình Dương sẽ bội chi tài chính. Tỉnh Bình Dương sẽ phải chuyển hướng thúc đẩy công trình mở rộng đại lộ Bình Dương từ 6 làn xe thành 10 làn xe.
Dự kiến đại lộ Bình Dương được mở rộng thêm 15m sang hai bên, nâng bề rộng mặt đường lên 40, nền đường 52m với 10 làn xe (làm thêm mỗi bên 2 làn xe).
Tốc độ lưu thông cho phép 80km/giờ, tải trọng thiết kế 120KN/trục, có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thoát nước, chiếu sáng và ưu tiên trồng cây xanh ở giải phân cách để chống biến đổi khí hậu. Tổng mức đầu tư theo kế hoạch sẽ khoảng 3.200 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 2.800 tỷ đồng.
Hiện nay, đại lộ Bình Dương (hiện hữu trên quốc lộ 13) với 6 làn xe bắt đầu tư giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Phước có chiều dài hơn 61km.
Sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, đại lộ Bình Dương đã tạo đà thúc đẩy hàng loạt khu công nghiệp tập trung và hệ thống dịch vụ phát triển nhanh chóng, góp phần thúc đẩy bộ mặt kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương tăng trưởng vượt bật trong suốt 20 năm tái lập tỉnh.
Theo khảo sát của Sở Giao thông Vận tải, hiện phương tiện tham gia giao thông trên đại lộ Bình Dương đã quá tải và thường xuyên gây ùn tắc cục bộ trong giờ cao điểm./.