Vitamin C được nhiều người coi như là một loại “bảo bối” có khả năng tăng cường sức đề kháng trước bệnh tật và khiến làn da trở nên đẹp, trắng sáng hơn. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp dùng thuốc sai cách ở cả người lớn, trẻ nhỏ, người bệnh.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc lạm dụng loại Vitamin này sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường như bị sỏi thận, thậm chí gây tử vong.
Không tự ý dùng
Trong câu chuyện về việc sử dụng Vitamin C, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) vẫn day dứt tiếc nuối kể về trường hợp một đồng nghiệp của ông đã tử vong vì tiêm Vitamin C.
Phó giáo sư Dũng kể, đồng nghiệp ông đã lựa chọn cách tiêm Vitamin C để mong có sự làm đẹp tức thời. Một điều không may mắn là chị đã bị sốc phản vệ và tử vong sau khi tiêm Vitamin C.
Theo bác sỹ Dũng: “Các chị em không nên quá tin vào suy nghĩ tiêm Vitamin C để da trắng đẹp hoàn toàn. Bởi da trắng đẹp phụ thuộc nhiều yếu tố, người dùng có thể uống để bổ sung thêm Vitamin C, bởi tiêm nhiều khi gây sốc rất nguy hiểm.”
Hiện nay, bên cạnh trường phái cho rằng Vitamin C có thể giúp làm đẹp lên rất nhiều, còn một số không ít phụ huynh quan niệm cho con uống Vitamin C hàng ngày để tăng cường sức đề kháng, chống chọi lại bệnh tật. Điều này có thể dẫn đến sự lạm dụng Vitamin C.
Chị Nguyễn Thu Mai, 34 tuổi (ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, hồi đầu năm, bé lớn 5 tuổi nhà chị bị viêm tai mũi họng. Sau đó chị đưa bé đi khám, sau khi bác sỹ kê đơn thuốc và có kê thêm cho bé cần bổ sung Vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Vậy là hơn nửa năm nay, chị Mai đã cho bé uống Vitamin C đều đặn hàng ngày. Cứ hết lọ Vitamin C này là chị lại mua liền lọ khác để bé uống nối tiếp. Chị đâu có ngờ rằng, việc chị cho bé uống loại Vitamin này triền miên trong gần nửa năm trời lại tiềm ẩn nhiều yếu tố gây hại cho sức khỏe.
Bổ sung Vitamin trong thức ăn - Cách tốt nhất
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cho hay, dùng Vitamin C để tăng cường sức đề kháng là đúng nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sỹ. Bởi với từng đối tượng như nam giới, nữ giới, người lớn, trẻ con phải có liều dùng khác nhau. Việc tự ý dùng sẽ từ chỗ cung cấp Vitamin để có lợi lại thành có hại.
Nếu một người uống Vitamin C hằng ngày trong thời gian dài gây thừa C trong cơ thể. Việc tăng quá nhiều Vitamin C trong cơ thể sẽ gây ra tăng hấp thu canxi từ ruột, khiến canxi trong máu cao, từ đó có thể gây ra sỏi thận (trường hợp này rất khó chữa).
Bên cạnh đó, một người cứ tin vào uống Vitamin C. Khi cảm thấy mệt, họ uống buổi sáng, trưa uống, chiều uống... mà bỏ quên các biện pháp chăm sóc sức khỏe khác như thể dục thể thao sẽ kèm theo nhiều tác hại không ngờ.
Về cách thức sử dụng Vitamin C, theo các chuyên gia y tế, một số bệnh viện nước ngoài đã có quy định rõ ràng, khuyến cáo liều lượng phù hợp với từng nhóm đối tượng, thời gian nên uống.
Theo phó giáo sư Dũng, những người người ăn uống đầy đủ, đủ chất đạm, đường mỡ thì không nên uống Vitamin C. Bởi Vitamin có trong thức ăn là tốt nhất. Vitamin có nhiều nhất trong hoa quả, rau quả tươi. Trong trường hợp một người nào đó phải đi công tác xa như nơi khó khăn, biển đảo, do việc ăn uống cung cấp đủ các loại Vitamin thì có thể uống bổ sung thêm Vitamin C trong một thời gian ngắn.
Phó giáo sư Dũng phân tích, người có bệnh khi đi khám, bác sỹ khuyên uống liều bao nhiều thì cần tuân thủ chặt chẽ. Người không có bệnh có thể uống trong 1-2 tháng với liều thông thường không cần bác sỹ chỉ định. Trong trường hợp người bệnh uống dài từ ba tháng trở lên thì cần bác sỹ tư vấn cụ thể.
Người dân nếu bổ sung Vitamin C qua đường uống là tốt nhất, một số trường hợp do rối loạn hấp thu nên phải sử dụng đường tiêm, tuy nhiên việc tiêm Vitamin C nhiều khi gây sốc rất nguy nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy, người dân cần lưu ý và cần tuân thủ theo sự chỉ định của bác sỹ./.
Bác sỹ chỉ định uống C trong trường hợp: bệnh nhiễm trùng, ăn uống yếu kém, bệnh nhân suy dinh dưỡng yếu quá, bệnh nhân thiếu máu cần uống để tăng cường hấp thu sắt, bệnh nhân ung thư…
Vitamin C nếu người dân uống liều cao mà uống trong lúc đói, có thể dẫn đến đau dạ dày.