Dùng robot "trị" ung thư tiền liệt tuyến cho bệnh nhân người Nhật

Từ đầu năm 2018 đến nay, sau khi được bóc tách khối u bằng phẫu thuật robot tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, sức khỏe của ông Shimada tiến triển vượt bậc.
Bác sỹ đông y Hitomi Shimada (72 tuổi, người Nhật) đã chọn Vinmec để phẫu thuật robot điều trị ung thư tiền liệt tuyến. ( Ảnh: PV)

Khi phát hiện bị ung thư tuyến tiền liệt, thay vì bay về quê hương chữa bệnh, bác sỹ người Nhật Hitomi Shimada lựa chọn ở lại Việt Nam điều trị. Ca phẫu thuật robot thành công tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) đã “thổi bay” khối u tuyến tiền liệt, giúp bác sỹ Shimada bình phục hoàn toàn.

Chữa ung thư nhờ phẫu thuật robot

Đã 3 năm nay, bác sỹ đông y Hitomi Shimada (72 tuổi, người Nhật) thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, với vai trò ….người bệnh.

Năm 2015, ông được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt chưa di căn. Là bác sỹ, ông hiểu rất rõ căn bệnh của mình. Với tư vấn từ bác sỹ Hoàng Thọ - bác sỹ chuyên khoa ngoại tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City), ông Shimada bắt đầu quá trình điều trị bằng uống thuốc nội tiết tố, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng – sinh hoạt, với kỳ vọng ức chế sự phát triển của khối u. Mỗi tháng thăm khám, ông đều cẩn thận ghi lại mọi chỉ số, lập thành bảng theo dõi rất chặt chẽ.

Từ đầu năm 2018 đến nay, sau khi được bóc tách khối u bằng phẫu thuật robot tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, sức khỏe của ông Shimada tiến triển vượt bậc, da dẻ hồng hào, các chỉ số trở về dần mức bình thường. Do đó, lịch ghi chép của ông thưa hơn, ông cũng có nhiều thời gian dành cho đam mê viết sách, nghiên cứu của mình.

[Trị ung thư gan nhờ “khóa” mạch máu nuôi khối u ác tính]

Ca mổ tháng 1/2018 cho ông Shimada là ca phẫu thuật robot điều trị ung thư tuyến tiền liệt đầu tiên tại Vinmec. Bệnh nhân tuổi cao, sức khỏe yếu luôn là trở ngại chính với hầu hết các các trường hợp ung thư tuyến tuyền liệt.

Khối u của ông Hitomi Shimada ở đầu giai đoạn 3, chưa di căn, nhưng đã xâm lấn vào túi tinh, chỉ số ung thư tuyến tiền liệt (PSA) tăng cao. Do đó, ca mổ này còn khó hơn. Bởi tuyến tiền liệt nằm rất sâu trong khung chậu, thao tác của bác sỹ bị bó hẹp, ca mổ mất nhiều thời gian, bệnh nhân mất nhiều máu, nguy cơ rò tiểu, hẹp niệu đạo, tiểu không kiểm soát… rất cao.

Với cấu trúc tinh vi, phẫu thuật robot có thể xâm nhập những vị trí khó tiếp cận, giải quyết được các hạn chế của phẫu thuật truyền thống. ( Ảnh: PV)

“Đây là lúc cần phải can thiệp ngay, nếu để muộn hơn, khối u sẽ phát triển nhanh, di căn sang các bộ phận khác, không còn có khả năng phẫu thuật được nữa. Do đó, phẫu thuật robot là lựa chọn tối ưu để có thể điều trị triệt để bệnh cho ông Shimada. Cánh tay robot nhỏ gọn, có thể xoay 540 độ linh hoạt, dễ dàng lách vào những vùng rất sâu bên chậu hông. Điều đó giúp thao tác chính xác tới từng milimet, tránh tổn thương tới mạch máu, thần kinh, tránh làm tổn thương đại tràng hoặc niệu quản… mọi thao tác vì thế mà chính xác, an toàn hơn” - bác sỹ Hoàng Thọ chia sẻ.

Ông Shimada đã trải qua ca đại phẫu bằng robot nhẹ nhàng. Các vết mổ chỉ 1cm, được chăm sóc chu đáo nên sau 1 ngày, ông đã ăn uống trở lại, sau 2 ngày đã có thể vận động nhẹ nhàng và xuất viện sau 4 ngày. Mỗi khi được hỏi thăm tình hình sức khỏe, ông Shimida đều phấn chấn đáp lời: “Tôi rất khỏe, không đau”.

Tỷ lệ thành công lên đến 95%

Từ Nhật Bản, ông Shimada vẫn thường xuyên trao đổi với bác sỹ Vinmec, chia sẻ những niềm vui khi ông có đủ sức khỏe để theo đuổi những dự định của mình sau khi được mổ robot chữa ung thư: “Thật hạnh phúc là tôi lại có thể vẽ, viết sách, và lại có thể đi khắp nơi để sưu tầm, học hỏi các bài thuốc chữa bệnh đông y như trước”.

Ông Shimada là một trong gần 30 trường hợp bệnh nhân phẫu thuật robot tại Vinmec trong thời gian qua. Phẫu thuật robot đã được triển khai tại nhiều bệnh viện lớn trên thế giới và đang dần trở thành xu hướng phẫu thuật trên thế giới.

Hiện tại, bác sỹ Shimada đã hoàn toàn bình phục sức khỏe, trở lại công việc giảng dạy và nghiên cứu của mình tại Nhật. ( Ảnh: CTV)

Để đạt hiệu quả phẫu thuật tối ưu, Bệnh viện Vinmec Times City đã trang bị Robot Da Vinci sản xuất tại Hoa Kỳ có cấu trúc tinh vi, hiện đại. Robot có 4 cánh tay mô phỏng gần như hoàn hảo các động tác bàn tay con người nhưng góc độ quay có thể gấp đôi lên tới gần 540 độ quay. Robot triệt tiêu được những cử động run tay, giật lắc, đáp ứng nhu cầu phẫu thuật và vi phẫu cần độ chính xác cao. Ống kính 3D phóng đại được những vị trí mổ lên 10 lần. Nhờ đặc tính này, robot phẫu thuật có thể xâm nhập những vị trí khó tiếp cận, “hóa giải” các hạn chế của phẫu thuật truyền thống, đặc biệt đạt hiệu quả rất cao khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt, tiêu hóa, tiết niệu – sinh dục và nhiều bệnh phụ khoa….

Đến nay Vinmec đã phẫu thuật thành công các bệnh lý tiêu hóa, tiết niệu – sinh dục, phụ khoa với tỷ lệ thành công lên tới 95%. Trung tâm phẫu thuật robot là một trong nhiều bước đi của Hệ thống y tế Vinmec, nhằm đưa Vinmec Times City trở thành một Trung tâm ngoại khoa hiện đại và toàn diện hàng đầu tại Việt Nam. Vinmec đang kết hợp thành công điều trị ngoại khoa truyền thống (mổ hở) và công nghệ cao (mổ nội soi, mổ robot…), giúp điều trị hiệu quả những bệnh lý phức tạp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục