'Đừng quá lo ngại việc nhiều doanh nghiệp thành lập rồi bị phá sản'

Theo ông Hoàng Văn Cường, các doanh nghiệp phải có hướng chiến lược đầu tư rất dài hạn, đầu tư cơ bản và đi vào đầu tư đổi mới về công nghệ để tạo ra được chỗ đứng vững chắc.
'Đừng quá lo ngại việc nhiều doanh nghiệp thành lập rồi bị phá sản' ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 3 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có những chuyển biến theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Về phát triển doanh nghiệp, năm nay dự kiến có thêm 130 nghìn doanh nghiệp. Tuy vậy số doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn tăng cao do quy luật cạnh tranh, đào thải...

Để có đánh giá một cách toàn diện hơn về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân đã có một số trao đổi với phóng viên về vấn đề này?

- Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, những giải pháp gì có thể tạo động lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng?

Ông Hoàng Văn Cường: Rõ ràng Chính phủ hiện nay phân định rất rõ, lấy khu vực kinh tế tư nhân để phát triển kinh tế, chủ trương là thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước nhiều ngành. Do đó vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn, cơ hội ngày càng cao.

Tôi cho rằng cái yếu nhất của doanh nghiệp là năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh rất thấp, cạnh tranh yếu như thế chúng ta khó có thể tham gia vào các Hiệp định quốc tế như CPTPP hoặc trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chúng ta có nhiều cơ hội nếu như năng lực cạnh tranh của chúng ta tốt. Nhưng ngược lại nếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không tốt tôi cho rằng chúng ta sẽ lỡ cơ hội đó, thậm chí bị ảnh hưởng cạnh tranh ngược trở lại của các doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với các doanh nghiệp về phần mình phải có hướng chiến lược đầu tư rất dài hạn, đầu tư cơ bản và đi vào đầu tư đổi mới về công nghệ để tạo ra được chỗ đứng vững chắc. Chố đứng ở đây không phải là chỗ đứng của một sản phẩm mà chỗ đứng này phải nằm trong chuỗi giá trị.

- Ông đánh giá thế nào khi sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn yếu?

Ông Hoàng Văn Cường: Tôi vừa nói năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, trên 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do năng lực cạnh tranh kém chúng ta khó có thể đầu tư một cách chiến lược dài hạn, cơ bản gần như đầu tư chỉ theo thời vụ, cơ hội.

Chúng ta biết thị trường hiện nay tác động rất mạnh, thay đổi lớn, nếu doanh nghiệp chỉ đầu tư đơn giản rất dễ thất bại. Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất vẫn là năng lực.

- Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lớn mạnh hơn, đóng góp cho nền kinh tế?

Ông Hoàng Văn Cường: Rõ ràng tôi nhìn thấy quy mô doanh nghiệp, vốn doanh nghiệp rất thấp, do vậy chúng ta phải có những giải pháp, trước hết Chính phủ cũng đã thúc đẩy ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn. Tất nhiên ngân hàng phải nhìn được khả năng của doanh nghiệp, hoàn trả hay không họ với cho vay.

Bản thân các doanh nghiệp phải tìm một con đường, tìm con đường thế nào phải đứng vào chuỗi. Nếu ta hoạt động độc lập và khi chúng ta chưa có năng lực, chưa có kinh nghiệm, chưa có máy móc, chúng ta chưa thể tiếp cận được nguồn vốn đó.

Nếu như các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau thành chuỗi, cá nhân các doanh nghiệp phải liên kết nằm trong hệ thống nào đó trong, hoặc nằm trong hệ thống doanh nghiệp lớn, ký kết với doanh nghiệp lớn để trở thành khâu, mắt xích của doanh nghiệp lớn, nằm trong chuỗi giá trị đó, mình vừa giải quyết được vấn đề phân công lao động, sản xuất từng khâu, từng sản phẩm nào của chuỗi sản phẩm.

Đặc biệt doanh nghiệp lúc đó có điều điều kiện, có hợp đồng liên kết để có nguồn vốn dễ hơn, điều đó cũng giúp được cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn khi đứng đơn lẻ như hiện nay.

'Đừng quá lo ngại việc nhiều doanh nghiệp thành lập rồi bị phá sản' ảnh 2Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Chuyện nhiều doanh nghiệp phá sản do áp lực cạnh tranh gay gắt có làm ông cảm thấy lo ngại không?

Ông Hoàng Văn Cường: Thực ra số lượng doanh nghiệp ra đời, sau đó bị giải thể chuyện đó rất bình thường. Tính ra 90% hoặc 95% số doanh nghiệp khởi nghiệp (starup) sẽ thất bại chứ không phải là thành công, điều đó bình thường.

Cho nên chúng ta đừng quá lo ngại việc có nhiều doanh nghiệp thành lập rồi lại bị phá sản chuyện đó là quá trình phải thử nghiệm khi hoạt động trong lĩnh vực này, không thành công người ta có thể phá sản và sang kinh doanh lĩnh vưc khác tôi cho rằng đấy là điều binh thường.

Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chúng ta hiện nay đang có sự thay đổi và tác động mạnh, nếu như doanh nghiệp mới ra yếu kém đương nhiên họ phải chủ động tìm lối đi khác.

- Quan điểm của ông như thế nào về mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020?

Ông Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng không quan trọng lắm chuyện 1 triệu doanh nghiệp hay là chỉ có 500.000 doanh nghiệp. Có thể với 500.000 doanh nghiệp nhưng thực sự hoạt động ổn định có hiệu quả thì nó khác hoàn toàn và làm sao 500.000 doanh nghiệp này dần dần nhỏ xuống chỉ còn 200.000-300.000 nhưng quy mô lớn lên, cạnh tranh nhiều hơn, còn tốt hơn nhiều có 1 triệu doanh nghiệp.

Nên tôi cho rằng quá trình ta làm thế nào mà nó tạo lập được cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả bền vững ổn định và doanh nghiệp tự phải lớn dần lên, khi lớn dần lên không chỉ cạnh tranh trong nước mà vươn được ra thế giới khi đó tạo ra sức mạnh nền kinh tế.

Tất nhiên mục tiêu đặt ra 1 triệu doanh nghiệp cũng là điều mà chúng ta đang rất muốn tạo môi trường kinh doanh để khuyến khích việc khởi nghiệp, khuyến khích kinh doanh mới sáng tạo. Nhưng không phải lấy thước đo 1 triệu doanh nghiệp mà nói nền kinh tế mạnh hay không mạnh.

Theo tôi không nên lấy con số 1 triệu doanh nghiệp làm mục tiêu phải phấn đấu, mà chúng ta phải mở môi trường đầu tư kinh doanh hết sức thuận lợi tạo ra nơi ươm mầm giúp doanh nghiệp ra đời và tôi cho rằng cái đó là mục tiêu chính.


- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục