Liên quan đến nội dụng loạt bài “Tàu ma tưng bừng đục khoét lòng sông trước cửa biển Ba Lạt” đã được VietnamPlus phản ánh, chiều 16/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã yêu cầu Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy phải tạm dừng hoạt động khai thác cát tại mỏ cát Giao Thiện, huyện Giao Thủy từ ngày 17/8.
Quản lý lúng túng, thiếu chủ động ...
Tại cuộc họp “mổ xẻ” hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ cát Giao Thiện vào chiều 16/8, ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cho biết: Nam Định là một tỉnh nghèo về tài nguyên khoáng sản. Hiện nay, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Định chỉ có đất sét làm vật liệu xây dựng và cát (có 2 loại là cát sông và cát biển). Trong đó cát biển chỉ phục vụ cho mục đích nôi trồng thủy sản và san lấp, chứ không thể làm công trình xây dựng.
“Cả tỉnh, hiện mới chỉ có mỗi mỏ cát Giao Thiện được cấp phép khai thác. Cũng chính vì mới có một mỏ khoáng sản được cấp phép, đâm ra công tác quản lý lúng túng, vì nếu làm nhiều có khi lại có kinh nghiệm,” ông Hoan nói.
[Nam Định: Bất thường hoạt động khai thác cát theo kiểu “trả góp”]
Ông Hoan cho cũng khẳng định, từ năm 2013 đến nay, mỏ cát Giao Thiện nằm trong quy hoạch khai thác khoáng sản cát của tỉnh Nam Định, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (được Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định) ủy quyền cấp phép khai thác.
Để cấp phép khai thác mỏ cát Giao Thiện, theo ông Hoan, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm “tương đối đầy đủ” thủ tục cấp phép theo quy định của pháp luât, đây là mỏ cát được phép khai thác hợp pháp theo quy định của pháp luật, nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Tuy nhiên, mỏ cát này chỉ được dùng vào 2 mục đích, đó là phục vụ nuôi trồng thủy sản và san lấp. Nếu doanh nghiệp dùng sai mục đích sẽ bị thổi còi, dứt khoát thổi còi,” ông Hoan nhấn mạnh.
Về quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định thừa nhận, các cơ quan quản lý mặc dù đã “nỗ lực” nhưng vẫn còn thiếu cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra giám sát quản lý giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các cơ quan chức năng (huyện, xã).
Lý giải sự thiếu phối hợp này, theo ông Hoan có 2 lý do: Một là quy chế phối hợp chưa có. Hai là tình trạng thông tin giữa ngành với huyện không được thường xuyên liên tục. Vì thế dẫn đến không có hoạt động trao đổi, chia sẻ giữa hai cơ quan quản lý để có sự thống nhất.
Ông Hoan cũng chỉ ra việc thiếu quy trình kiểm tra giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường dẫn đến sự tùy tiện trong công tác kiểm tra cũng như lúng túng trong báo cáo và đưa phương án xử lý.
Chính sự thiếu chủ động và không chuyên nghiệp cũng như không có sự phối hợp đã dẫn đến tình trạng chồng chéo quản lý, bất cập trong kiểm tra giám sát cho dù thực tế trên địa bàn chỉ có một doanh nghiệp hoạt động.
Doanh nghiệp "né quy định, tránh nghĩa vụ"
Đối với Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy là đơn vị được cấp phép khai thác cát, ông Hoan thông tin: “Trong thời gian qua, có thể nói rằng doanh nghiệp đã cơ bản chấp các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề hạn chế, thiếu sót.”
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, trong quá trình khai thác, các tàu thuyền khai thác cát chưa treo đủ biển số tại các mặt xung quanh tàu theo quy định để đảm bảo công tác quản lý; chưa thả đủ phao tại các điểm khép góc của mỏ cát theo quy định.
[“Không có quy định nào cho phép khai thác cát theo hình thức trả góp”]
Đặc biệt, doanh nghiệp này chưa nộp đủ só tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (số tiền còn thiếu là 435 triệu đồng). Đây là khoản phí quy định đối với các doanh nghiệp muốn tham gia khai thác khoáng sả. Theo đó khoản phí này phải được đóng một lần, sau đó mới có Giấy phép khai thác và được quyền khai thác khoảng sản.
Ngoài ra, công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy cũng chưa thực hiện gửi đến các cấp, các ngành và cơ quan có chức năng liên quan kế hoạch đăng ký hoạt động khai thác cát với những yêu cầu cụ thể như: bao nhiêu phương tiện, thời gian khai thác... theo luật định.
Liên quan đến khoản nợ phí quyền cấp phép, phía chính quyền đã thẳng thừng từ chối đề nghị của Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy được khấu trừ từ số tiền khảo sát thăm dò trữ lượng mỏ cát. Cụ thể, sau khi không thể tiếp tục thực hiện việc đóng phí "trả góp" doanh nghiệp Xuân Thủy lại "sáng chế" ra cách né nợ là xin được khấu trừ từ khoản khảo sát do tình hình doanh nghiệp khó khăn.
Phó Chủ tịch Nguyễn Phùng Hoan thẳng thắn: Tỉnh ghi nhận những khó khăn mà doanh nghiệp chia sẻ. Song việc nộp phí cấp quyền khai thác khoáng sản là trách nhiệm nghĩa vụ của doanh nghiệp với Nhà nước. Còn việc doanh nghiệp khó khăn, Nhà nước xem xét hỗ trợ thế nào là việc khác. Đây là hai vấn đề khác nhau, không thể đối trừ sang ngang được.”
Tạm dừng để chấn chỉnh
Trên cơ sở những vi phạm của Công ty cổ phần Thủy sản, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định kết luận: Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy còn nhiều việc phải làm, chứ không phải mỗi chuyện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Để giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn đọng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan đã đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường lập biên bản, yêu cầu Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản đối với mỏ cát Giao Thiện, bắt đầu từ ngày 17/8/2017 với lý do: "để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên địa bàn."
Trong thời gian tạm dừng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đề nghị Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy thực hiện nghĩa vụ, nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp còn nợ.
Đồng thời, tiến hành rà soát lại toàn bộ các nội dung liên quan đến quy định pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản. Bổ sung những thủ tục còn thiếu, nộp đăng ký số lượng tàu thuyền tham gia khai thác, đảm bảo các phương tiện này phải có đăng kiểm, được trang bị đầy đủ biển hiệu, biển báo, phao... theo đúng quy định.
Tỉnh cũng yêu cầu Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy điều chỉnh kế hoạch khai thác cát theo mục đích khai thác đã được bổ sung bao gồm: nuôi trồng thủy sản và san lấp. Kế hoạch khai thác cát này đồng thời phải được gửi tới các cơ quan chức năng liên quan (như Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao Thông vận tải, Chi cục thuế, huyện Giao Thủy) trước khi đi vào khai thác.
[Yêu cầu 4 chủ tịch tỉnh chỉ đạo điều tra khai thác cát trái phép]
“Tôi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phải hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định. Sau khi đã hoàn thiện thủ tục, trong quá trình khai thác, hoạt động khai thác của doanh nghiệp phải chịu sự giám sát của cộng đồng, của cơ quan quản lý nhà nước,” ông Hoan nói.
Ông Hoan yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổng rà soát lại quá trình kiểm tra từ hồ sơ, giấy tờ, thủ tục, quy trình cấp phép liên quan đến hoạt động khai thác của doanh nghiệp tại mỏ cát Giao Thiện. Khẩn trương xây dựng quy trình quản lý giám sát đối với hoạt động của chủ mỏ. Xác định trách nhiệm của các ban ngành có liên quan.
Vị Phó Chủ tịch Tỉnh cũng trực tiếp giao Chi cục Thuế huyện Giao Thủy có nhiệm vụ đôn đốc Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy chấp hành nghĩa vụ. Đồng tình quan điểm này, đại diện Cục thuế tỉnh có mặt tại cuộc họp đã đưa ra kiến nghị: Nếu Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy không chấp hành việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Cục thuế sẽ kiến nghị tỉnh thu hồi giấy phép khai thác theo đúng quy định./.