Đụng độ lớn ở Benghazi, hơn 170 người thương vong

Ít nhất 24 người thiệt mạng và 150 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya với các tay súng Hồi giáo ở Benghazi.
Đụng độ lớn ở Benghazi, hơn 170 người thương vong ảnh 1Hiện trường một vụ đánh bom xe nhằm vào một doanh trại quân đội Libya ở Benghazi hồi tháng 3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ít nhất 24 người thiệt mạng và 150 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya, do Tướng về hưu Khalifa Haftar đứng đầu, với các tay súng Hồi giáo ở Benghazi ngày 16/5.

Theo người phát ngôn của lực lượng Haftar Mohamed Al-Hejazi, các thành viên của Quân đội Quốc gia Libya đã nã pháo vào các căn cứ của nhóm phiến quân Hồi giáo Rafallah al-Sahati và một nhóm phiến quân, được biết đến với tên gọi "Lữ đoàn ngày 17/2" ở Benghazi.

Hiện cả hai căn cứ của nhóm phiến quân đã bị lực lượng của Tướng Haftar kiểm soát.

Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Libya Abdessalam Jadallah al-Salihin đã bác bỏ sự dính líu của quân đội trong cuộc đụng độ này. Tuy nhiên, ông thừa nhận đã có một số quan chức và đơn vị quân đội chính quy tham gia lực lượng của Tướng Haftar.

Phát biểu với báo giới ở thủ đô Tripoli, Thủ tướng lâm thời Libya Abdullah al-Thinni tuyên bố lực lượng của Tướng Haftar "không hợp pháp," và quân đội đã kiểm soát tình hình, kêu gọi các bên ở Benghazi kiềm chế.

Ông al-Thinni cho biết đã ra lệnh cho lực lượng quân đội chính quy kiểm soát các nhóm vũ trang, trong đó có lực lượng của ông Haftar, ở phía Đông Benghazi - nơi thường xảy ra các vụ đánh bom, mưu sát và đụng độ giữa các tay súng và quân đội.

Cuộc đụng độ đã khiến các cơ quan chức năng phải đóng cửa sân bay chính Benina ở Benghazi trong vòng 24 giờ. Trong khi đó, một nguồn tin an ninh cho biết Algeria đã cử một đội đặc nhiệm đến sơ tán đại sứ và nhân viên đại sứ quán nước này khỏi Libya sau khi phiến quân đe dọa tấn công đại sứ quán nước này.

Trong năm qua, đã có ít nhất tám nhà ngoại giao nước ngoài - trong đó có người Tunisia, Ai Cập và Jordan - bị lực lượng phiến quân bắt tóc tại Libya để trao đổi con tin lấy các tay súng bị giam giữ ở nước ngoài.

Ba năm sau làn sóng biểu tình lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, đất nước Libya vẫn chìm trong bất ổn. Lợi dụng sự yếu kém và lộn xộn của quân đội và cảnh sát, các nhóm phiến quân phát triển ngày càng nhiều và mạnh.

Trong khi đó, Chính phủ và Quốc hội Libya ngày càng chịu nhiều chỉ trích từ người dân, cáo buộc chính quyền tham nhũng và không thể tạo cho họ một cuộc sống tốt đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục