Đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình tại Liban

Ngày 16/9, lực lượng cảnh sát tại thủ đô Beirut của Liban đã đụng độ với những người biểu tình và bắt giữ hàng chục người; ít nhất 20 người bị thương.
Những người biểu tình Liban một lần nữa lại đổ ra các đường phố ở Beirut, phản đối tình trạng rác thải tràn ngập đường phố ở thủ đô và khu vực lân cận, ngày 9/9 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/9, lực lượng cảnh sát tại thủ đô Beirut của Liban đã đụng độ với những người biểu tình và bắt giữ hàng chục người, trong bối cảnh phiên họp thứ hai trong khuôn khổ đối thoại giữa các lãnh đạo nước này đang diễn ra nhằm giải quyết những bế tắc chính trị cũng như cuộc khủng hoảng rác thải hiện nay.

Đụng độ bùng phát vào chiều 16/9 khi nhóm "You Stink" kêu gọi người biểu tình tụ tập gần tòa nhà quốc hội, nơi cuộc họp đang diễn ra. Một số người biểu tình đã tìm cách phong tỏa các tuyến đường.

Cảnh sát buộc phải sử dụng dùi cui và gậy để khống chế đám đông và bắt giữ 40 người biểu tình. Tổ chức Chữ Thập đỏ cho biết bạo lực đã khiến ít nhất 20 người bị thương.

Đến tối cùng ngày, hàng chục người đã tụ tập bên ngoài các văn phòng chính phủ, yêu cầu thả những người bị bắt giữ và hô các khẩu hiệu phản đối chính phủ.

Hãng thông tấn Quốc gia Liban đưa tin cơ quan công tố đã yêu cầu trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ song người biểu tình vẫn tụ tập tại quảng trường Riad el-Solh.

Cuộc biểu tình nói trên diễn ra sau khi các lãnh đạo Liban ngày 10/9 vừa qua đã nhóm họp để bàn về cuộc "đối thoại dân tộc" nhằm giải quyết bế tắc chính trị hiện nay nhưng không đạt được tiến triển nào.

Khủng hoảng chính trị tại Liban hiện nay bắt đầu từ tháng Bảy vừa qua khi bãi rác Naameh bị đóng cửa vì quá tải khiến rác thải không được thu gom ở khắp thủ đô Beirut, trong khi chính quyền chưa tìm ra được giải pháp khắc phục nào do những bất đồng nội bộ. Cuộc sống của người dân đã bị ảnh hưởng trầm trọng khi rác thải chất đống trong những ngày Hè nắng nóng đỉnh điểm.

Tuần trước, Nội các Liban đã thông qua một kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng rác thải nhưng nhiều nhà hoạt động và người dân đã lên tiếng phản đối.

Mặt khác, hệ thống chính trị Liban chia thành 2 khối chính. Do bị chia rẽ, nên dù họp tới hơn 20 lần, song Quốc hội Liban vẫn chưa bầu được tổng thống khiến nội các nước này bị tê liệt trong nhiều tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục