“Đừng để di tích thành Cổ Loa chỉ còn là một hình hài vô hồn”

Các chuyên gia cho rằng, trong việc bảo tồn và phát huy giá trị thành Cổ Loa - tòa thành đất có niên đại sớm nhất và quy mô lớn nhất ở Đông Nam Á, cần chú ý tới vai trò của cộng đồng dân cư tại chỗ.
Lễ rước kiệu vào đền An Dương Vương (thuộc Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa) (Ảnh: TTXVN)

Kết quả khảo cổ học mới nhất đã khẳng định thành Cổ Loa (thuộc Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ học Cổ Loa - huyện Đông Anh, Hà Nội) là tòa thành đất có niên đại sớm nhất và quy mô lớn nhất ở Đông Nam Á.

“Đi liền với điều này là những yêu cầu về công tác bảo tồn và quảng bá hình ảnh di sản tới công chúng. Bên cạnh đó, những dấu tích mới phát lộ cũng mở ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ. Nếu không làm tốt vấn đề này, thành Cổ Loa sẽ chỉ còn là một hình hài vô hồn,” tiến sỹ Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) nhấn mạnh.

Lựa chọn một khu tiêu biểu

Theo tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp (đại diện nhóm nghiên cứu thành Cổ Loa của Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội), lịch sử thành Cổ Loa gắn liền với khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ học Cổ Loa. Bởi vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích thành Cổ Loa cần đặt trong tổng thể khu di tích Cổ Loa.

“Hiện nay, nhiều hộ dân vẫn sống gần các công trình quan trọng của Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ học Cổ Loa. Điều này gây khó khăn cho khách tham quan trong việc hình dung, tìm hiểu về khu di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt này,” tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp cho biết.

Xuất phát từ lý do đó, nhà nghiên cứu này cho rằng, các cơ quan chức năng nên lựa chọn một khu vực tiêu biểu nhất của khu di tích Cổ Loa để nghiên cứu, phục hồi; trên cơ sở khoa học đó giúp du khách có thể nhận diện toàn bộ khu di tích.

Cụ thể, tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp cho rằng, khu vực được lựa chọn đó là khu vực còn lưu lại những dấu vết đặc trưng nhất của thành Cổ Loa như: ba vòng thành, hào, ụ hỏa hồi…

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng kiến nghị cần tiếp tục khai quật thành Cổ Loa ở các khu vực: lũy phía Tây Nam của thành Ngoại, lũy phía Tây Nam của thành Trung, lũy và ụ hỏa hồi phía Tây Nam của thành Nội cùng hào thành Ngoại.

“Sau khi kết thúc khai quật, sẽ làm nhà mái che để bảo vệ di tích (một dạng bảo tàng ngoài trời). Cùng với đó, kết quả phân tích carbon phóng xạ ở từng giai đoạn đắp thành sẽ được gắn lên vách địa tầng… Những việc này nhằm giới thiệu tới công chúng về khu di tích,” tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp nói.

Tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Lý giải về cơ sở của đề xuất này, ông Hiệp cho biết: đây là khu vực còn giữ được những dấu vết rõ ràng nhất về các vòng thành, hào, ụ hỏa hồi của thành Cổ Loa và gần đền thờ An Dương Vương, gần giếng Ngọc gắn liền với truyền thuyết về Mỵ Châu-Trọng Thủy…

Không thể dừng ở… bàn giấy

Đứng ở một góc độ khác, tiến sỹ Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) cho rằng, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích thành Cổ Loa cần chú ý hơn tới vai trò của cộng đồng dân cư địa phương.

“Có một thực tế là, hiện nay, chúng ta gần như bế tắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa. Các di tích đang dần bị mất những đặc tính riêng, điểm đặc trưng; chỉ còn lại hình hài vô hồn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là: người dân không hiểu nên thờ ơ với chính vốn văn hóa truyền thống quý báu mà cha ông để lại,” bà Liên nhìn nhận.

Xuất phát từ thực tế đó, nhà nghiên cứu này cho rằng: Việc nghiên cứu, bảo tồn không nên chỉ được bàn, thực hiện ở tầm vĩ mô, bàn giấy với sự góp mặt của các nhà khoa học mà thiếu đi vai trò của người dân tại chỗ.

Cụ thể, theo vị tiến sỹ này, ngoài việc tăng cường nghiên cứu, trưng bày các hiện vật, các cơ quan chức năng cần cung cấp kiến thức, hiểu biết về thành Cổ Loa nói riêng và toàn bộ khu di tích nói chung đến cộng đồng dân cư ở đây (thông qua các lớp học, các buổi tìm hiểu thực tế tại di tích…).

“Tôi cho rằng đây là một hướng đi bền vững. Khi người dân hiểu về giá trị di tích thì họ sẽ chủ động tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa,” tiến sỹ Lê Thị Liên phân tích.

Hố khai quật khảo cổ học tại thành Cổ Loa (Ảnh: Viện Khảo cổ học)

Theo bà Liên, việc đưa học sinh tới Hoàng thành Thăng Long, cùng tham gia khai quật khảo cổ học là một hướng đi mới, bài học kinh nghiệm đối với việc nghiên cứu, bảo tồn thành Cổ Loa. “Chúng ta có thể đi chậm môt chút nhưng đó sẽ là những bước đi vững chắc - bồi đắp tình yêu di sản cho giới trẻ,” tiến sỹ Lê Thị Liên bày tỏ./.

Thành Cổ Loa (thuộc Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa) có diện tích gần 46ha, gồm ba vòng thành (thành Nội, thành Trung, thành Ngoại) khép kín với tổng chiều dài là 15,820km.

Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg (ngày 27/9/2012) của Thủ tướng Chính phủ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục