Đừng để căn bệnh trầm cảm “đánh cắp” cuộc sống của bạn!

Căn bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm cho chính họ và người thân.

Cảm giác buồn phiền, mệt mỏi là phản ứng của cơ thể trong một giai đoạn khó khăn nào đó. Thông thường theo thời gian, cảm giác đó sẽ qua đi.

Trầm cảm thì không như vậy. Và trầm cảm có khả năng xảy ra với phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm cho chính họ và người thân.

1.Trầm cảm gây đau đớn

Buồn phiền chỉ là một trong rất nhiều triệu chứng của trầm cảm. Trên thực tế, không ít người bị trầm cảm lại không hề có cảm giác buồn bã.

Những người bị trầm cảm dễ gặp các triệu chứng như đau nhức toàn thân, đau đầu, chuột rút hay các vấn đề về tiêu hóa và cản trở nhiều hoạt động trong cuộc sống.

Nếu bạn gặp phải một trong những triệu chứng dưới đây trong khoảng thời gian từ 2 tuần trở lên, hãy cân nhắc khả năng bạn đã bị trầm cảm:

- Thường xuyên cảm thấy buồn bã, lo lắng, trống rỗng

- Cảm giác tuyệt vọng hoặc bi quan

- Cáu gắt

- Cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc bất lực

- Mệt mỏi hoặc suy giảm năng lượng

- Khó ngủ, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm

- Mất hứng thú với các hoạt động trong cuộc sống

- Cảm giác bồn chồn, không yên

- Khó tập trung, ghi nhớ hoặc ra quyết định

- Di chuyển hoặc nói chuyện chậm hơn

- Mất cảm giác thèm ăn, thay đổi cân nặng đột ngột

- Đau nhức toàn thân, chuột rút, gặp vấn đề về tiêu hóa mà không có nguyên nhân rõ ràng

- Xuất hiện những suy nghĩ về cái chết

Hãy nói chuyện với bác sỹ về những triệu chứng này. Bác sỹ cần biết về thời điểm bắt đầu của triệu chứng, khoảng thời gian xảy ra trong ngày, tần suất xuất hiện, và mức độ ảnh hưởng của nó đến các hoạt động thể chất và cuộc sống của người bệnh.

2. Các giai đoạn dễ xảy ra trầm cảm ở phụ nữ

- Tiền kinh nguyệt

Phần lớn phụ nữ đều biết về hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual Syndrome ​- PMS) với các rối loạn thể nhẹ như tâm trạng thất thường, đầy hơi, mệt mỏi, táo bón diễn ra trong một thời gian ngắn, khoảng 5-7 ngày trước kỳ kinh.

Nguyên nhân chủ yếu do việc mất cân bằng hoócmôn trong cơ thể trước ngày “đèn đỏ.”

Tuy nhiên, có một dạng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) ít gặp hơn, nhưng lại nghiêm trọng và kéo dài hơn.

Sự mất cân bằng nội tiết tố, đặc biệt là thiếu hụt hoóc-môn serotonin được xem là nguyên nhân chính dẫn đến các triệu chứng rối loạn này.

Có khoảng 3-8% phụ nữ nhận thấy các dấu hiệu khó chịu gấp bội trước kì kinh, như: cảm giác tuyệt vọng, có ý nghĩ về cái chết, luôn căng thẳng, hoảng sợ, không tập trung, không quan tâm đến sinh hoạt hàng ngày, mất ngủ, biếng ăn, đau nhức xương cơ.

- Sau sinh

Phụ nữ mới sinh thường phải đối diện với các rối loạn tâm thần từ khoảng 1 đến 4 tuần sau kỳ sinh nở.

“Baby blues” là thuật ngữ miêu tả tâm trạng buồn bã, mệt mỏi, lo lắng, dễ cáu gắt xuất hiện ở thời điểm 3-4 ngày sau sinh.

Hội chứng này liên quan đến lượng hoóc-môn suy giảm đột ngột và cơ thể bắt đầu cơ chế sản xuất sữa.

Hội chứng “baby blues” không phải là bệnh, không cần điều trị, người mẹ chỉ cần được nghỉ ngơi, nhận được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè là đủ.

Tuy nhiên, trầm cảm sau sinh lại là rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn và thường liên quan đến yếu tố di truyền (tiền sử bị trầm cảm hoặc trong gia đình có người bị trầm cảm).

Giống hội chứng “baby blues”, nhưng triệu chứng của trầm cảm sau sinh nghiêm trọng hơn: tâm trạng chán nản, bất lực, hay nghĩ về cái chết, có suy nghĩ làm tổn thương mình hoặc người khác, cảm thấy không có mối gắn kết nào với con. Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh cần được hỗ trợ, điều trị và giám sát liên tục.

- Tiền mãn kinh

Khi phụ nữ bước vào độ tuổi 40-45, chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu thưa dần và không đều, đó là những dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn tiền mãn kinh.

Trong giai đoạn này, nhiều người nhận thấy các triệu chứng rối loạn cả tâm thần và thể chất như mệt mỏi, uể oải, nóng trong người, mất ngủ, buồn bực, chán nản, giảm ham muốn tình dục… Các triệu chứng này thường kéo dài ít nhất 2 tuần.

3. Trầm cảm có thể chữa trị

Với mỗi người, mức độ trầm cảm và triệu chứng là hoàn toàn khác nhau, chính vì vậy sẽ không thể có một phác đồ điều trị cho tất cả.

Đôi khi các bệnh nhân trầm cảm phải trải qua một vài bước điều trị thử nghiệm để tìm được phương pháp phù hợp với mình. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì có nhiều loại thuốc cần đến 8 tuần hoặc lâu hơn để có hiệu lực đầy đủ với cơ thể.

Đừng bỏ cuộc cho đến khi tìm được phương pháp phù hợp, bởi việc dừng đột ngột có thể khiến các triệu chứng trầm cảm nặng hơn.

Việc điều trị cần phải kéo dài trong nhiều tháng sau đó ngay cả khi người bệnh đã cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Thời gian ít nhất cho mỗi đợt điều trị bệnh là 6 tháng.

- Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, bệnh trầm cảm mỗi năm cướp đi sinh mạng của 850.000 người, và chỉ có 25% số người bị trầm cảm được điều trị đúng và kịp thời.
- Dự đoán đến năm 2020, trầm cảm sẽ là căn bệnh có nguy cơ cao thứ hai trong số những bệnh phổ biến toàn cầu, với 121 triệu bệnh nhân.

Bài: Khánh Hà 
Ảnh: TH

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục