Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn kết quả một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức cho biết phần lớn các doanh nghiệp ở nước này đều muốn tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ, chỉ một số ít có kế hoạch giảm giá.
Theo Viện Ifo, lần đầu tiên sau 12 tháng, xu hướng tăng giả cả hàng hóa, dịch vụ đang quay trở lại. Kỳ vọng về giá đã tăng từ 14,7 điểm lên 15,8 điểm trong tháng 9/2023. Riêng ngành dịch vụ ăn uống, kỳ vọng giá tăng mạnh từ 13,7 điểm lên 62,8 điểm; trong khi ngành bán lẻ lại có kỳ vọng giảm từ 33,6 điểm xuống 31,4 điểm.
Giá cả tăng là điều đã được dự báo trước, đặc biệt là trong ngành dịch vụ ăn uống. Điều này gây áp lực đối với việc kiềm chế lạm phát.
Theo chuyên gia kinh tế Timo Wollmershäuser của Viện Ifo, để đưa lạm phát về mức 2% như mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ cần phải có thêm thời gian.
Tuy nhiên, trong một số ngành nhất định, kỳ vọng giá lại giảm, đặc biệt là ngành xây dựng. Chuyên gia Wollmershäuser cho biết nhiều công ty xây dựng đang muốn giảm giá, kỳ vọng về giá đã giảm 2,4 điểm, xuống mức âm 12,6 điểm.
[Chuyên gia: Kinh tế Đức được dự báo không rơi vào suy thoái]
Trong lĩnh vực sản xuất, mức tăng giảm giá gần như cân bằng. Trong khi nhiều nhà sản xuất ô tô đang lên kế hoạch tăng giá, các nhà sản xuất giấy lại muốn cung cấp sản phẩm với giá rẻ hơn.
Trong ngành dịch vụ nói chung, ngày càng nhiều doanh nghiệp tăng giá. Kỳ vọng về giá đã tăng từ 23,7 điểm lên 25,3 điểm. Viện Ifo nhấn mạnh rằng tương tự như ngành bán lẻ, tiền lương chiếm tỷ trọng cao trong chi phí của ngành dịch vụ. Các doanh nghiệp có khả năng sẽ chuyển một phần khoản tăng lương vào giá cả dịch vụ.
Trong tháng 9/2023, lạm phát tại Đức ở mức 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Theo dự báo mới đây của các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức, lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu dự kiến sẽ ở mức 6,1% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 2,6% trong năm tới.
Trên thị trường lao động, theo Cơ quan Việc làm Liên bang Đức, số người thất nghiệp ở nước này đã giảm nhẹ, 69.000 người, so với tháng Tám, xuống còn 2,627 triệu người trong tháng 9/2023.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn rất lớn vì nhiều nơi đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Tăng cường tuyển dụng lao động từ nước ngoài được xem là giải pháp hết sức quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp Đức hiện nay./.