Đức và Nhật Bản lần đầu tổ chức đối thoại quốc phòng, ngoại giao 2+2

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng để tiếp tục định hình thế giới tương lai, cần phải can dự nhiều hơn vào châu Á - nơi các quyết định toàn cầu quan trọng đang được đưa ra trong thế kỷ này.
Đối thoại quốc phòng-ngoại giao 2+2 giữa Nhật Bản và Đức theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: AFP) 

Ngày 13/4, Đức và Nhật Bản đã lần đầu tiên tổ chức đối thoại về chính sách an ninh và đối ngoại theo thể thức 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước. Các cuộc tham vấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tham dự đối thoại về phía Nhật Bản có Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, trong khi về phía Đức có Ngoại trưởng Heiko Maas và Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Đức cho rằng để tiếp tục chung tay định hình thế giới tương lai, cần phải can dự nhiều hơn vào châu Á - nơi các quyết định toàn cầu quan trọng đang được đưa ra trong thế kỷ này.

Ông cảnh báo nếu không tích cực can dự hơn, Đức và Liên minh châu Âu có thể bỏ lỡ cơ hội định hình các quy tắc trong tương lai, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về chính trị và an ninh.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức tái khẳng định chủ trương ủng hộ một trật tự dựa trên quy tắc, minh bạch và bao trùm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông cũng nhấn mạnh việc hợp tác với Tokyo đóng vai trò quan trọng, bởi Nhật Bản là đối tác then chốt của Đức về chủ nghĩa đa phương, pháp quyền...

[Nhật Bản đề xuất tăng cường hợp tác giữa nhóm Bộ Tứ và các nước ASEAN]

Theo Bộ Ngoại giao Đức, Nhật Bản là một trong những đối tác lâu đời và gần gũi nhất của Đức khi năm nay hai nước nước kỷ niệm 160 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước có những thách thức tương đồng, cùng chung các giá trị cơ bản và có lợi ích trong nhiều lĩnh vực.

Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ ở các diễn đàn đa phương, cùng nỗ lực để cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hợp tác trong khuôn khổ G7 và G20 nhằm hướng tới một trật tự thế giới dựa trên quy tắc, cởi mở và bao trùm.

Tháng 3 vừa qua, Đức và Nhật Bản đã ký kết một hiệp định bảo mật thông tin trong các lĩnh vực nhạy cảm, công nghệ cao, như triển khai cảnh sát và quân đội đa phương hoặc cuộc chiến chống khủng bố.

Vòng đối thoại 2+2 giữa Nhật Bản và Đức là kết quả hiện hữu sau khi Đức thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mùa Thu năm 2020, trong đó Đức cam kết đảm nhận vai trò tích cực và mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ của Đức với các nước trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, trong đó Việt Nam và Trung Quốc là hai trong số ít quốc gia trên thế giới đạt tăng trưởng trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19.

Đây cũng là khu vực diễn ra phần lớn các hoạt động thương mại quốc tế, trong khi cũng có những xung đột và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng.

Những thách thức toàn, cầu như ứng phó với đại dịch, biến đổi khí hậu hay sự tạo lập công bằng tiến trình toàn cầu hóa khó có thể đạt được nếu không có sự tham gia của các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục