Đức và Mỹ đạt tiến bộ trong đàm phán về Dòng chảy phương Bắc 2

Thủ tướng Merkel cho rằng chuyến thăm Mỹ sẽ là cơ hội quan trọng để hai bên tìm được tiếng nói chung đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Haiko Maas ngày 14/7 cho biết quá trình đàm phán giữa Đức và Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã đạt được tiến triển.

Thông tin được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ông Maas cho biết: "Trong vài tuần gần đây hai bên đã hoàn thành phần lớn công tác chuẩn bị, và tôi cho rằng lập trường hai bên đã xích lại gần nhau trong nhiều vấn đề."

Theo ông, điều quan trọng là hai bên có mục đích, thời điểm đạt thỏa thuận không quan trọng, nhưng "sẽ là không tồi nếu điều đó xảy ra khi Thủ tướng Đức đang thăm Washington."

Theo kế hoạch, Thủ tướng Angela Merkel sẽ thăm chính thức Washington và gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 15/7.

[Đức đảm bảo Ukraine tiếp tục trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu]

Dự kiến, ngoài quan hệ song phương thì một trong những nội dung của cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước sẽ là về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và việc bảo đảm để Ukraine duy trì việc trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.

Trong một phát biểu ngày 12/7, nhà lãnh đạo Đức khẳng đình rằng đối với Berlin, việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine là cấu thành trong tổng thể nguồn khí đốt nhập khẩu của Đức, và Ukraine cần tiếp tục là điểm trung chuyển năng lượng của châu Âu sau khi hiệp định trung chuyển khí đốt hiện nay giữa Nga và Ukraine hết hiệu lực vào cuối năm 2024.

Liên quan bất đồng với Mỹ về dự án trên, Thủ tướng Merkel cho rằng chuyến thăm Mỹ sẽ là cơ hội quan trọng để hai bên tìm được tiếng nói chung đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, song bà cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng sớm đạt được giải pháp giữa Đức và Mỹ tại cuộc gặp ở Nhà Trắng tới đây.

Trong vài năm qua, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 phải đối mặt với nhiều chỉ trích, kể cả từ một số nước châu Âu và từ Mỹ.

Washington lo ngại dự án này khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục