Đức ủng hộ Pháp trong việc thúc đẩy vị thế của Liên minh châu Âu

Ngoại trưởng Baerbock cho biết với tư cách là những người bạn thân thiết nhất ở trung tâm châu Âu, Pháp và Đức phải gánh vác trách nhiệm này và cần hành động hướng tới tương lai.
Đức ủng hộ Pháp trong việc thúc đẩy vị thế của Liên minh châu Âu ảnh 1Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock (phải) và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tại cuộc họp Hội đồng đối ngoại EU ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 31/12 cho biết Pháp và Đức có "trách nhiệm đặc biệt" đưa Liên minh châu Âu (EU) trở thành liên minh mạnh mẽ hơn trên thế giới trong bối cảnh Pháp chuẩn bị đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của khối này.

Theo bà Baerbock, với tư cách là những người bạn thân thiết nhất ở trung tâm châu Âu, Pháp và Đức phải gánh vác trách nhiệm này và cần hành động hướng tới tương lai.

Bà nêu rõ việc Pháp đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU là "cơ hội quan trọng mà chúng tôi muốn cùng nhau nắm bắt để củng cố và giúp EUvượt qua những thách thức trong tương lai. Pháp có thể tin tưởng vào sự ủng hộ tuyệt đối của chúng tôi để chuẩn bị cho sự phục hồi kinh tế bền vững, cho cuộc chiến chống khủng hoảng do biến đổi khí hậu, quá trình số hóa và cho việc thúc đẩy chủ quyền của châu Âu."

[Vai trò chủ tịch luân phiên EU của Pháp: Cờ đến tay Tổng thống Macron]

Tuyên bố trên của người đứng đầu ngành ngoại giao Đức được đưa ra giữa lúc Chính phủ Đức muốn tăng cường "chủ quyền chiến lược" của EU để tránh những ảnh hưởng tiêu cực do sự cạnh tranh giữa các cường quốc của thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Trong khi đó, tại Pháp, Tổng thống nước này Emmanuel Macron cho biết ông muốn xây dựng EU trở thành một liên minh mạnh mẽ trên thế giới trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp.

Theo ông Macron, các ưu tiên của Pháp khi đảm nhận chức vụ trên bao gồm đảm bảo mức lương tối thiểu của người dân trên toàn EU, thắt chặt hơn các quy định đối với các công ty lớn về kỹ thuật số và thuế biên giới carbon (đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục