Theo số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế nước này trong tháng 7/2022 đã giảm nhẹ xuống mức 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu giảm.
Destatis cho biết mặc dù giảm nhẹ trong hai tháng liền, từ mức 7,9% trong tháng 5 xuống 7,6% trong tháng 6 và 7,5% trong tháng 7, nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao.
[Viện nghiên cứu kinh tế: Lạm phát của Đức đã lập đỉnh]
Theo Destatis, giá các sản phẩm năng lượng tăng cao vẫn là nguyên nhân chính khiến lạm phát ở mức cao. Ngoài ra, còn những vấn đề khác như chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sự tăng giá nguyên liệu và sản phẩm trung gian ở tất cả các lĩnh vực kinh tế khiến hàng hóa và dịch vụ khác trở nên đắt đỏ hơn...
Destatis cũng cho biết hai biện pháp trong gói cứu trợ của chính phủ Đức là cung cấp vé tháng phương tiện công cộng 9 euro và giảm giá nhiên liệu đã có tác động làm giảm nhẹ lạm phát nói chung kể từ tháng 6/2022.
Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp cứu trợ, trong tháng 7/2022, giá các sản phẩm năng lượng vẫn cao hơn 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá lương thực cũng tăng trung bình 14,8% trong tháng 7/2022 (so với tháng 7/2021).
Tỷ lệ lạm phát cao cùng với giá trị đồng euro giảm mạnh làm giảm sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và trung bình, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát hiện giảm nhẹ nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tăng trở lại trong những tháng tới, khi gói cứu trợ giảm giá nhiên liệu và vé 9 euro hết hiệu lực vào cuối tháng Tám./.