Ngày 21/11 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã loan báo Đức sẽ ra quy định về mức lương tối thiểu phổ cập toàn quốc.
Đây là sự nhượng bộ của người đứng đầu nền kinh tế số một châu Âu nhằm thỏa mãn yêu cầu của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), có thể là thành viên của chính phủ liên hiệp trung tả.
Tuy nhiên, một quyết định mang tính chính trị có thể dẫn đến những hậu quả kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng tới thị trường việc làm, đó là điều khiến các đảng phái tranh cãi.
Theo tạp chí Pháp L’Expansion, bà Angela Merkel và Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã thắng cử trong cuộc bầu cử ngày 22/9 vừa qua nhưng không đủ đa số để toàn quyền thành lập nội các mới.
Các cuộc thương lượng với Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đối lập nhằm thành lập "chính phủ đại liên minh" lâm vào bế tắc kể từ hai tháng qua do Đảng SDP đưa ra điều kiện tăng mức lương tối thiểu lên 8,5 euro/giờ và phổ cập tiền lương tối thiểu cho tất cả các lĩnh vực trên toàn liên bang.
Trong một phát biểu tại Berlin ngày 21/11, khi đề cập đến những cuộc thương lượng đang diễn ra nhằm thành lập chính phủ liên hiệp rộng rãi, bà Merkel nói: "Chúng ta sẽ quyết định một số việc mà theo chương trình hành động, tôi cho là không nên làm, trong đó có việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phổ cập. Nhưng SPD sẽ không kết thúc cuộc thương lượng mà thiếu lương tối thiểu liên bang."
Tuy nhiên, bà đã không thông báo cụ thể về mức tiền lương tối thiểu và thời điểm áp dụng, đồng thời cũng khẳng định là đảng của bà sẽ không nhượng bộ ở chi tiết "áp dụng phổ cập toàn quốc" mà sẽ yêu cầu áp dụng mức lương này theo từng ngành, từng lĩnh vực, và việc này phải được điều hành bởi một ủy ban tập hợp đại diện các nghiệp đoàn và giới chủ.
Đây cũng là cách làm truyền thống vốn được thực hiện từ trước đến nay giữa các đối tác xã hội tại Đức.
Hiện tại có hai luồng quan điểm, rất nhiều ý kiến phản đối, nhưng cũng có những ý kiến ủng hộ. Reiner Haseloff, Thủ hiến bang Sachsen-Anhalt, thuộc liên minh CDU/CSU phản ứng gay gắt: "Tiền lương tối thiểu cố định đã làm sụp đổ Đông Đức trước đây. Chúng ta không được lặp lại sai lầm đó."
Để làm dịu bớt tình hình, bà Merkel tuyên bố trong một buổi gặp gỡ giới chủ: "Tôi sẽ làm hết sức, Đảng CDU sẽ làm hết sức" để hạn chế tác động của lương tối thiểu (tới thị trường việc làm).
Bà cũng nhấn mạnh là một yêu cầu khác của SPD là đánh thuế cao những người giàu nhất sẽ không được đáp ứng, do đảng của bà không ưu tiên việc nhằm làm giảm nợ quốc gia này, do "không tăng thuế là chương trình trung tâm" của chính phủ Đức trong 4 năm tới.
Giới chủ Đức cũng đang gây áp lực đối với Chính phủ khi dọa cắt giảm nhân công. Trên thực tế, cả giới chủ và các Viện kinh tế lớn của Đức đều cho rằng việc quy định lương tối thiểu phổ cập ở mức 8,5 euro sẽ làm cho nhiều người sẽ bị mất việc.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), ở Đức, cứ 5 người đi làm thì có 1 người có thu nhập thấp hơn 8,5 euro/giờ, tương đương với khoảng 6 triệu người trong đó có 2 triệu người thu nhập dưới 5 euro/giờ. Nếu lương tối thiểu tăng lên 8,5 euro/giờ sẽ làm tăng 35% chi phí trả cho những người thuộc đối tượng này, chủ yếu cho những người làm việc lặt vặt, không có chuyên môn và phụ nữ.
Như vậy, việc tăng lương tối thiểu sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công (buộc họ phải giảm số người lao động), và tác động tới người làm nghề tự do trong các khu vực dịch vụ như uốn tóc, lái xe taxi, khách sạn nhà hàng, dịch vụ lau chùi và giúp việc tại các gia đình.
Theo giáo sư kinh tế Friedrich Schneider thuộc trường đại học Linz, nếu mức tiền lương tối thiểu trên được áp dụng thì sẽ phải chi thêm từ 1-2 tỷ euro/năm cho các lao động làm chui. Điều đó có thể ngăn cản việc tạo ra khoảng 1 triệu việc làm tại Đức, mà chủ yếu là vùng đông Đức do lương tối thiểu ở vùng đông Đức thấp hơn ở vùng tây Đức.
Hơn 1/4 số người đi làm ở Đông Đức thu nhập dưới 8,5 euro/giờ trong khi khi mức này là 15% ở tây Đức. Do đó, Viện Nghiên cứu thị trường việc làm (IAB) trực thuộc Cơ quan việc làm quốc gia Đức chủ trương xây dựng mức lương tối thiểu khoảng 7,5 euro/giờ ở phía Đông.
Đề nghị này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Đảng Cánh tả (Die Linke), vì cho rằng việc này giống như xây "bức tường tiền lương" trong lòng nước Đức đã được thống nhất từ 1/4 thế kỷ nay.
Ở phía ngược lại, những ý kiến ủng hộ cũng có cơ sở của mình. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) ủng hộ biện pháp này và cho rằng cái lợi về tăng sức mua, tăng nguồn thu từ thuế và và đóng góp xã hội là hiển nhiên.
Theo IAB, tăng tiền lương tối thiểu sẽ mang lại khoản tiền bổ sung từ thuế là 800 triệu euro và từ đóng góp xã hội là 1,7 tỷ euro.
Ngoài ra, các nghiên cứu về việc áp dụng lương tối thiểu tại một số nước như Anh và Mỹ cho thấy việc này không gây ra bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào.
Ngay cả các Viện nghiên cứu của Đức, vốn phản đối lương tối thiểu, cũng thừa nhận không có hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với 4 triệu người lao động trong 13 ngành nghề tại Đức được áp dụng mức lương sàn.
Tuy nhiên, ở Pháp, mức lương tối thiểu (Smic) là 9,43 euro/giờ đang là rào cản cho việc thanh niên tiếp cận được thị trường việc làm, đặc biệt là những người trình độ chuyên môn thấp. Đây chính là yếu tố làm cho thất nghiệp tăng cao tại Pháp với tỷ lệ 11% so với 7% tại Đức; và thất nghiệp trong lớp trẻ (những người trong độ tuổi 15-24) là 25% so với 8% tại Đức.
Hơn nữa, theo giới phân tích, việc áp dụng tiền lương tối thiểu cũng sẽ không làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Đức, bởi vì các doanh nghiệp này thường là những doanh nghiệp trả lương nhân công cao nhất cho nên họ ít chịu ảnh hưởng của biện pháp này.
Gạt sang một bên tương quan lực lượng giữa SPD và CDU, có một cơ sở ủng hộ việc luật định tiền lương tối thiểu, đó là đa số người Đức (83%) ủng hộ việc áp dụng mức lương này, một điều khiến Thủ tướng Merkel không thể làm ngơ./.