Đức tổ chức họp khẩn cứu ngành ôtô đang gặp khó khăn

Cuộc họp khẩn diễn ra trong bối cảnh ngành ôtô hàng đầu của Đức đang đối mặt với nhiều thách thức, từ chi phí sản xuất cao đến quá trình chuyển đổi sang ôtô điện và nhu cầu giảm sút tại Trung Quốc.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Sindelfingen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Sindelfingen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/9, Chính phủ Đức tổ chức một cuộc họp khẩn để hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô đang gặp khó khăn của nước này.

Cuộc họp trực tuyến do Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck chủ trì với sự tham gia của các nhà sản xuất ôtô hàng đầu, hiệp hội công nghiệp ôtô VDA, các nhà cung cấp lớn và công đoàn.

Cuộc họp khẩn diễn ra trong bối cảnh ngành ôtô hàng đầu của Đức đang đối mặt với nhiều thách thức, từ chi phí sản xuất cao đến quá trình chuyển đổi sang ôtô điện gặp khó khăn và nhu cầu giảm sút tại thị trường chính Trung Quốc.

Volkswagen (VW) là một trong số những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu hồi đầu tháng Chín đã công bố kế hoạch gấp rút cắt giảm chi phí và đang xem xét đóng cửa các nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm hoạt động.

Trước cuộc họp, Giám đốc điều hành của Volkswagen, ông Oliver Blume, nhấn mạnh cuộc họp này là một cơ hội để thúc đẩy sự hỗ trợ nhanh chóng cho ngành công nghiệp ôtô của Đức.

Trong số các giải pháp đề xuất có việc tái áp dụng trợ cấp cho xe điện, đã điều chỉnh giảm dần vào năm ngoái dẫn đến sự sụt giảm lớn về doanh số.

Tạp chí Der Spiegel đưa tin VW đang kêu gọi Chính phủ Đức trợ cấp 4.000 euro (4.450 USD) cho việc mua một chiếc xe điện nếu nhà sản xuất cũng giảm giá 2.000 euro.

Ông Blume cho rằng cần có một gói biện pháp toàn diện, từ trợ cấp đến giảm thuế và giá phí sạc cho xe điện để hấp dẫn người tiêu dùng.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ôtô hạng sang Mercedes-Benz, Ola Kallenius cho rằng cần cân nhắc vấn đề cấp bách khác là quy định khí thải ở châu Âu.

Tuần trước, các nhà sản xuất ôtô châu Âu đã kêu gọi EU hỗ trợ khẩn cấp để đối phó với các quy định về khí thải nghiêm ngặt hơn dự kiến có hiệu lực vào năm 2025 trong bối cảnh doanh số xe điện đang suy giảm.

Các biện pháp cụ thể có thể sẽ không được công bố ngay sau cuộc họp, và các quyết định sẽ được đưa ra sau cuộc họp của toàn bộ chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz.

Ngoài VW, các nhà sản xuất hàng đầu khác của Đức cũng đang đối mặt với những vấn đề lớn.

Trong vài tuần gần đây, cả Mercedes và BMW đều hạ thấp triển vọng kinh doanh của năm nay, một phần do doanh số bán hàng yếu tại Trung Quốc.

Sau khi đầu tư mạnh vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong những thập kỷ gần đây, các nhà sản xuất Đức đã thấy thị phần của các công ty giảm do sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc.

Trong khi đó, chi phí đầu ra tại Đức cao hơn, đặc biệt là do giá năng lượng tăng, đã làm tăng thêm vấn đề của công ty này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục